24 tháng 7, 2011

ĐỤC BỎ THƠ HỒ CHÍ MINH

ĐỤC BỎ THƠ HỒ CHÍ MINH
Nguyễn Huệ là kẻ phi thường
Mấy lần đánh đuổi giặc Xiêm, giặc Tàu
Ông đà chí cả mưu cao
Dân ta lại biết cùng nhau một lòng
Cho nên Tàu dẫu làm hung
Dân ta vẫn giữ non sông nước nhà
          Cả đoạn thơ viết về Nguyễn Huệ trên đây của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã được khắc vào tấm bia đá đặt ở đền thờ “người anh hùng áo vải” trên núi Dũng Quyết ở thành phố Vinh (Nghệ An). Đền này được khánh thành năm 2008. Đi vào cổng đền, qua bình phong tứ trụ, là hai nhà bia nhìn vào nhau. Nhà bia bên trái khắc “Công trạng vua Quang Trung”. Nhà bia bên phải khắc “Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về Quang Trung”, chính là đoạn thơ này. Đứng trên đỉnh núi lộng gió, đưa mắt nhìn toàn cảnh một vùng sơn thủy hữu tình địa linh nhân kiệt xứ Nghệ, đọc tấm bia khắc những lời người anh hùng dân tộc thế kỷ XX ca ngợi người anh hùng dân tộc thế kỷ XVIII tôi thấy lòng mình cảm khái vô cùng. Hồ Chí Minh không chỉ ca ngợi Nguyễn Huệ. Ông ca ngợi khối đoàn kết toàn dân, khi “vua hiền tôi sáng” biết ở giữa nhân dân, dựa vào sức dân, nhân mạnh lên sức của dân, để giữ nước và xây nước. Ông vua nào, nhà cầm quyền nào, thể chế nào có được, và giữ được, và phát huy được sức mạnh đó, thì sẽ bền vững và xứng đáng với dân tộc, giống nòi. “Dân ta vẫn giữ non sông nước nhà” – đó là một chân lý truyền đời.
          Những người làm văn hóa ở Nghệ An đã có công khi chọn được đoạn thơ của Hồ Chí Minh viết về Nguyễn Huệ và thuyết phục được các cấp lãnh đạo, quản lý chấp nhận khắc ghi nó lên tấm bia ở đền thờ. Tôi nói “thuyết phục” vì trong một lần về thăm đền tôi nghe phong thanh chừng như là đang có ý kiến cho rằng mấy câu thơ ấy “nhạy cảm”, dẫu là của cụ Hồ nhưng trong hoàn cảnh “tế nhị” hiện nay của quan hệ Việt-Trung thì khắc nó lên bia, bày nó ra giữa thanh thiên bạch nhật là không lợi. Ôi, chỉ mới nghe phong thanh thế thôi tôi đã bực mình, tức giận. Sao lại có thể hèn nhát đến vậy! Tôi nghĩ, đó chỉ là một vài ý kiến của ai đó, sẽ không được chấp nhận. Tôi tin, tấm bia khắc những câu thơ viết về Nguyễn Huệ của Hồ Chí Minh sẽ đứng mãi ở đền thờ Quang Trung, trên núi Dũng Quyết, giữa đất trời Nghệ An, đất trời Việt Nam, để tỏa sáng một chân lý của người Việt Nam, nước Việt Nam.
          Hỡi ôi, lời phong thanh đã thành sự thực, niềm tin của tôi đã bị dập tắt phũ phàng. Khi viết bài này tôi đã gọi điện về Vinh nhờ một tiến sĩ văn học lên tận đỉnh núi Dũng Quyết, vào tận đền thờ Quang Trung, xem tận mắt tấm bia khắc lời Hồ Chí Minh viết về Quang Trung có còn nguyên đó không. Điện báo ra là đã thay, đã thay rồi chú ơi! Cháu gửi ảnh ra ngay cho chú đây.
IMG_7893
          Tấm bia bên trái khắc “Công trạng vua Quang Trung”  (chụp tháng 7-2010)
 3
          Nay đã bị đục bỏ, thay bằng bài “Tưởng niệm Hoàng đế Quang Trung” của Vũ Khiêu
1
          Còn tấm bia bên phải khắc ghi bài thơ yêu nước của Hồ Chí Minh ca ngợi Quang Trung  (chụp tháng 7-2010)
4
          Nay đã bị đục bỏ để thay bằng một đoạn trích chiếu của Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ gửi La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp chọn đất đóng đô
          Và nhìn những tấm ảnh chụp mới tức thì, tôi không tin vào mắt mình nữa. Tấm bia bên trái khắc “Công trạng vua Quang Trung” đã thay bằng bài “Tưởng niệm Hoàng đế Quang Trung” của Vũ Khiêu. Còn ở tấm bia bên phải, những lời của Hồ Chí Minh đã bị đục bỏ, thay bằng đoạn trích chiếu của Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ gửi La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp chọn đất đóng đô. Tôi đã điện hỏi kỹ người chụp đây có phải là thay bia mới vào bia cũ, hay là chỉ đục bỏ văn bia, thay bài mới. Anh cho biết đã hỏi người trông coi đền thờ thì họ nói là chỉ đục bỏ chữ, thay văn bia, chứ không thay bia.
          Vậy là đã rõ.
          Lý do việc đục bỏ văn bia lời Hồ Chí Minh là sợ Tàu! (Hãy gọi là Tàu như trong đoạn thơ của ông Nguyễn). Đau xót, nhục nhã biết bao! Chẳng lẽ trên khắp nước Nam cái gì nói đến lịch sử oai hùng của Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc từ xưa đến nay đều là phải né tránh, cấm đoán?
          Nhưng chính quyền tỉnh Nghệ An phải có trách nhiệm trả lời cho đồng bào cả nước biết rõ ràng, công khai, vì sao có sự đục bỏ văn bia ghi lời Hồ Chí Minh viết về Quang Trung tại đền thờ Quang Trung trên núi Dũng Quyết? Ai đưa ra chủ trương này? Một việc hệ trọng, thiêng liêng như vậy đã được quyết định ở cấp nào, theo nghị quyết nào của tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh, hay của Bộ VH-TT-DL, hay của một cấp cao hơn nữa?
          Bởi vì tôi được biết, để chọn được đoạn thơ của Hồ Chí Minh và quyết định khắc vào bia dựng ở đền thờ Quang Trung là phải có cả một quá trình từ người chuyên môn đến nhà chính trị lựa chọn, cân nhắc và quyết định. Khắc bia rồi đục bia, xưa hay nay, đều là chuyện nghiêm trọng.
          Nếu hôm nay người ta không dám ca ngợi anh hùng dân tộc của mình trên đất nước mình, thì ngày mai người ta sẽ thóa mạ ai?
          Nếu hôm nay người ta đục bỏ lời của Hồ Chí Minh, thì ngày mai người ta giữ lại cái gì?
          Đục bỏ những lời Hồ Chí Minh viết về Nguyễn Huệ tại đền thờ Quang Trung vì lý do sợ ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao nước láng giềng là xúc phạm cả Nguyễn Huệ, cả Hồ Chí Minh, cả toàn thể nhân dân Việt Nam. Hơn lúc nào hết, trong những ngày này, những lời ca ngợi sức mạnh đoàn kết toàn dân để giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ dân tộc trong những lời thơ Hồ Chí Minh viết về Nguyễn Huệ đang rất cần được vang lên mạnh mẽ và thống thiết:
Dân ta lại biết cùng nhau một lòng
Cho nên Tàu dẫu làm hung
Dân ta vẫn giữ non sông nước nhà
Hà Nội 23.7.2011
PHẠM XUÂN NGUYÊN

21 nhận xét:

  1. Sao lại nhục đến thế này???

    Trả lờiXóa
  2. Chỉ còn một từ để nói: Hèn

    Trả lờiXóa
  3. Cái loại VỊT LAI NGAN, LỪA LAI NGỰA. Thật kinh tởm lợm. Có tổ chức đàng hoàng đấy, chẳng phải tự phát đâu?

    Trả lờiXóa
  4. Vậy là xong, nghe cứ như chuyện cá tháng 4. Vậy là xong thật.

    Trả lờiXóa
  5. tình hình này,ít nữa không khéo chữ ' "không có gì quí hơn độc lập tự do" ở Lăng cũng bị đục bỏ ,thay bằng mấy câu chữ hán mất.Nhục nhã,với kẻ thù.Hèn hạ với dân lành yêu nước

    Trả lờiXóa
  6. Thật hết chỗ nói. Thằng công an tên có cái tên "phạm húy" Minh thì tuân theo lệnh Tàu mà đạp vào mặt người yêu nước để mong thăng quan tiến chức. Kẻ khác thì ra lệnh đục bỏ thơ Bác để lấy lòng " Thiên triều". Vận nước đã nguy.

    Trả lờiXóa
  7. Chuyện nhỏ như con thỏ ấy mà. Cả cái nhà to đùng họ còn phá nát bét. Sách vở tài liệu của các triều đại phong kiến họ còn đốt sạch thì chưa là gì mà. Cái sắc phong gì đó của nhà Nguyễn là bằng chứng chủ quyền HS-TS mà mấy ông GS ĐH mượn của dân mà còn thủ tiêu luôn. Đến khi người dân ,cũng là chủ nhân của mấy tờ s\Sắc Phong đó hỏi thì các bác GS ấy trả lời tỉnh queo , không biết, hết.

    Trả lờiXóa
  8. Sao nhiều điều oái ăm thế không biết. Bên TQ thì báo chí được tự do bình luận, thậm chí đe dọa Việt Nam, mà Việt Nam mình lại bị kiểm soát gắt gao. Ngay cả khi đề cập tới chiến tranh biên giới năm 79 thì báo chí TQ đều đưa tin rầm rộ, còn bên ta thì không có một lời. Nghe đâu, bảo tàng quân đội Việt Nam còn không có nêu nội dung cuộc chiến năm 79 với TQ. Bảo sao nhân dân không nghĩ đến một sự nhu nhược. Nếu coi việc TQ chỉ nêu lại các vấn đề lịch sử thì sao bên mình lại không làm thế? Phải chăng ta không tôn trọng lịch sử? Không trân trọng những người đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền của ta?

    Trả lờiXóa
  9. Đục bỏ thơ HCM không quan trọng, coi chừng blog MTH bị đục bỏ mới căng!

    Trả lờiXóa
  10. Đề nghị các bác hỏi lãnh đạo Tỉnh Nghệ An xem tại sao lại để xảy ra tình trạng này ở ngay quê hương của Bác.

    Trả lờiXóa
  11. Phương Thủy-Huế07:51:00 25 thg 7, 2011

    Mất nước từ trong ý thức của sợ hãi! Đó không phải là cách mà những người lãnh đạo đang làm! Khi đã làm như vậy, có nghĩa, sự mất nước đã thành hiện thực. Chẳng lẽ, phải xếp những người có trách nhiệm việc này với hạng người như Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống sao?

    Trả lờiXóa
  12. Cứ tình hình như vậy thì Gò Đống đa cũng sẽ bị san phẳng làm sân gol cho các đại gia giải trí thôi!!

    Trả lờiXóa
  13. Gửi cho ông đảng sư vũ khiêu biết với mọi người ơi

    Trả lờiXóa
  14. Em đã từng tốt nghiệp đại học chuyên ngành Bảo tàng học và Di tích học, lâu lắm rồi chả sờ mó đến mớ kiến thức chuyên ngành ấy, nhưng vẫn ko quên thuật ngữ chuyên môn dành cho cái hành động đục bỏ văn bia kia gọi là "làm giả hiện vật". Nếu xét tư cách của dân hành nghề quản lý di tích, thì phải nói là mất dạy quá thể. Ngày trước, nàng Tô Thị bị nung vôi rồi phải làm lại Tô Thị khác bằng ximang đã thấy nhục lắm rồi...

    Trả lờiXóa
  15. Nhớ ngày đi học, tận năm thứ 3 nhà trường mới tổ chức cho một chuyến đi dã ngoại xuyên 2 tỉnh Hải phòng và Quảng Ninh. Trên chiếc xe gat vàng của Liên xô, ngoài đám sinh viên nhốn nháo của mấy lớp mấy khoa khác nhau, còn chất theo lủng củng nồi niêu, gạo mắm, bí xanh, thịt lợn của đám Bảo tàng 7. Hồi ấy một chuyến đi như thế hoành tráng lắm, chuẩn bị mãi và dĩ nhiên ăn uống phải tự nấu lấy thôi, tiền đâu mà ăn hàng như bi giờ. Xuất phát rõ sớm ở Hà nội, tận trưa mới tới Bảo tàng Hải phòng, la liệt đứng ngồi ăn bánh mì chay. Rồi tối mịt mới tới được Yên tử, đun củi toét cả mắt để nấu cơm. Đêm ấy nam nữ xếp hàng ngủ ở chùa Lân, lúc đi ngủ thì trật tự đầu ra đầu, chân ra chân - chả hiểu sao khi mờ sáng tỉnh dậy lại thấy mình đang ôm bàn chân hơi nặng mùi của một lão. Thế nhưng vui vẻ hồn nhiên lắm, những bước chân háo hức trèo núi, những đôi mắt trong veo khám phá rừng. Và hăm hở chụp ảnh, bức nào cũng cười lí lắc...

    Tiếng là học di tích, nhưng những di tích mà đám sinh viên Bảo tàng 7 được đến sờ mó chỉ là mấy ngôi chùa ven vùng Bắc Ninh, thêm thành Cổ Loa và lễ hội Lim. Đạp xe đi thực tế chùn cả chân, tắt qua làng dân một đoạn cho gần còn bị đám trẻ chăn trâu đuổi theo ném phân trâu khô vào người, chạy trối chết.

    Ra trường, lăn lóc vào đời kiếm ăn, chả bằng tý kiến thức bảo tàng, di tích nào. Những tháng năm rong ruổi đường dài với cái nghề hướng dẫn viên du lịch là cơ hội để mình được đặt chân đến, được sờ tận tay, nhìn tận mắt, hít thật mùi của rất nhiều danh lam thắng cảnh, di tích nổi tiếng mà cái thưở đi học chả dám mơ sẽ được đến. Rồi đến đoạn đời xế chiều, theo đám dân thường chả học hành gì về lịch sử Phật giáo hay dân tộc học - chăm đi lễ bái, nên còn biết về di tích lịch sử theo kiểu "bắt tận tay, day tận trán" nhiều gấp bao nhiêu lần cái thời ngồi nghe PGS Trần Lâm Biền mắng mỏ. Có lần một mình mò về làng Diềm, tình cờ gặp mấy đứa trẻ con học sau hàng mười mấy khóa lại là người Diềm, dẫn đi thăm quan và được mục sở thị bức cửa võng tuyệt tác đang bóng láng màu thời gian của đình làng, mới thấy thấm thía về giá trị lịch sử của các di tích. Thế mà ngay ở làng Diềm ấy, đằng sau ngôi chùa mới toanh, sáng loáng từ ngói, bệ thờ cho đến cả các pho tượng (Ngay cả sư cô nhìn cũng thấy ngay là mới được đầu tư), cái tay đầu tư một đống tiền để xây chùa mới cho các cụ trong làng sướng, đang giấu cái chùa cũ có niên đại đáng nể, giá trị quy ra thành tiền cũng rất đáng nể ấy, chờ thời cơ sẽ mang đi bán.

    Cuộc sống xoáy theo cơn lốc của kinh tế, chính trị thời đổi mới, nên di tích cũng ko cần phải giữ lại giá trị niên đại, hay giá trị chân thực nữa rồi. Tượng cũ mang nung vôi, đổ bê tông tượng mới cho bền. Chùa cũ phá nát để tẩu tán đồ cổ đi bán, góp ít tiền xây chùa mới oách hơn. Bia cũ đục đi gắn lại bia mới cho hợp tính thời sự hơn, có lợi cho người cầm quyền hơn. Tất thảy mọi cái đều có thể, chẳng cần chuẩn mực, quy tắc. Mọi hiện vật đều có thể làm lại, mọi dấu ấn đều có thể làm giả... tất tần tật đều do con người cả thôi, vấn đề là kẻ nào có quyền làm thế!

    Hôm trước cô bạn lần đầu đi Sài gòn chơi, cứ nuối tiếc mãi vì chưa được vào tham quan bến nhà Rồng, mới chỉ loanh quanh bên ngoài thôi. Mình cười khùng khục bảo nó, vào đấy làm gì, có cái gì đáng xem đâu. Có mỗi cái giá trị là nơi Bác ra đi tìm đường cứu nước thì bây giờ chữa lại là deck phải rồi, Bác đi từ chỗ khác cơ. Bỗng dưng thấy mình may mắn vì không hành nghề bảo tàng hay di tích gì đó, vì có thể đánh giá chân thực những gì mình đọc được, nghe được, sờ được hay ngửi được, không nhất thiết phải giả dối hay hèn nhát.

    Rất nhiều góc nhìn khác, rất nhiều những phát hiện khác cự kỳ chân thực về di tích, mà đám dân hành nghề di tích cả đời quanh quẩn xó nhà chả bao giờ biết đến.

    Có một nỗi buồn mang tên "Di tích".

    Trả lờiXóa
  16. Ở trên HSO đang có xác thực tại Nghệ An đi ngược lại với kết luận trong bài này

    http://hoangsa.org/forum/showthread....265#post756265
    http://hoangsa.org/forum/showthread....311#post756311
    http://hoangsa.org/forum/showthread....321#post756321

    PS: Nếu chú không vô đc thì thay chữ "org" bằng chữ "net" nhé!

    Trả lờiXóa
  17. Tôi là một người con quê Bác. Và hiện tại nhà tôi cách núi Quyết nơi có đền thờ vua Quang Trung không đầy 3km. Các bạn có biết tại sao người dân thành Vinh lập đền thờ Quang Trung trên đỉnh núi Quyết không? Không phải hẳn vì công trạng dẹp Tàu của ông mà cái chính là ông có ý định rời đô về trấn Nghệ An và lấy tên là Phượng Hoàng Trung Đô. Vua Quang Trung cho rằng trấn Nghệ An ở vào chính giữa nước, đường xá từ Nam ra từ Bắc vào đều vừa bằng nhau, nơi đây cũng là quê quán tổ tiên của ông chính vì thế ông mới quyết định rời đô từ Phú Xuân về đây.Phượng Hoàng Trung Đô bắt đầu được xây dựng năm 1788 bên dòng sông Lam và núi Dũng Quyết, nay là thành phố Vinh. La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp chính là người được giao nhiệm vụ thị sát và xây dựng thành. Tiếc là thành chưa được xây dựng xong thì 1792 vua Quang Trung đột ngột qua đời và ý định rời đô từ Phú Xuân về Trung Đô cũng vì thế mà không thực hiện được. Vậy việc người dân thành Vinh lập đền thờ vua Quang Trung trên đỉnh núi Quyết chính là hàm ơn công trạng này chứ không nêu cao công trạng dẹp Tàu của ông. Bài thơ "Tưởng niệm hoàng đế Quang Trung" của Vũ Khiêu và đoạn trích chiếu vua Quang Trung - Nguyễn Huệ gửi La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp về việc chọn đất đóng đô theo tôi là hợp lý hơn. Công trạng dẹp Tàu của hoàng đế Quang Trung thì ai ai cũng biết nhưng việc ông định chọn trấn Nghệ An là đất đóng đô thì chỉ ý nghĩa với người dân thành Vinh. Nhìn bề ngoài không hiểu căn do việc đền thờ vua Quang Trung được lập trên đỉnh núi Quyết thì chúng ta thấy bị sỉ nhục, là sợ Tàu nhưng hiểu căn do và nghĩ kĩ thì tôi nghĩ ở đây không có gì gọi là hèn nhát hay sợ Tàu cả. Đọc bài thơ của bác Vũ Khiêu các bạn cũng sẽ thấy rõ.Tôi dám chắc một điều nhiều bạn chưa hề đọc bài thơ của bác Vũ Khiêu cũng như tìm hiểu lịch sử của đền thờ vua Quang Trung trên đỉnh núi Quyết. Có đôi lời...

    Trả lờiXóa
  18. Nếu đã là ghét thì nhìn cái gì cũng thành ra ghét. Nếu đã là thương thì nhìn cái gì cũng thấy thương.
    Hy vọng sau này đọc những bài viết của bác Hải (dù là lấy từ nguồn khác), không còn những bài viết từ tình cảm 1 phía mà là những bài viết được kiểm định kỹ càng, xem nguồn gốc đó đúng hay không.

    Hy vọng người viết bài này có thể đọc được nội dung của nhận xét: http://maithanhhaiddk.blogspot.com/2011/07/uc-bo-tho-ho-chi-minh.html?showComment=1311598073027#c1873585355122140172

    Trả lờiXóa
  19. Thanh Hải ơi là Thanh Hải! đây có lẽ là cái nhìn hơi ngắn, cái nhìn của bạn nên ở chính giữa và luôn nhìn vào tích cực ý. cố lên!

    Trả lờiXóa
  20. NGHỆ AN KHÔNG ĐỤC XÓA THƠ CỦA CHỦ TỊCH CHÍ MINH TRÊN VĂN BIA TẠI ĐỀN THỜ QUANG TRUNG (bLOG pHẠM VIẾT ĐÀO) !

    Trả lờiXóa
  21. Về tấm bia có khắc bài thơ được cho là của CT Hồ Chí Minh:

    Nguyễn Huệ là kẻ phi thường
    Mấy lần đánh đuổi giặc Xiêm, giặc Tàu
    Ông đà chí cả mưu cao
    Dân ta lại biết cùng nhau một lòng
    Cho nên Tàu dẫu làm hung
    Dân ta vẫn giữ non sông nước nhà


    đã được khắc vào tấm bia đá đặt ở đền thờ vua Quang Trung ở Nghệ An để ca ngợi vị anh hùng này.

    Ở VN, người ta cho rằng CT HCM làm thơ rất hay. Học sinh trung học phải học thơ của CT HCM, quan trọng như thơ Kiều của đại thi hào Nguyễn Du.

    Vậy mà đọc bài thơ trên, tôi thấy nó sai vần lạc điệu và dùng từ ngữ sai quá.

    Xin phân tích:

    Nguyễn Huệ là kẻ phi thường

    Trong tiếng Việt, chữ “kẻ” dùng để chỉ những người xấu xa hèn mọn: kẻ trộm, kẻ cướp, kẻ hèn v.v…

    Còn đối với một nhân vật đáng kính như vua Quang Trung thì phải gọi là “đấng” anh hùng, “đấng phi thường”.

    Trong câu thơ này, nếu dùng chữ “đấng” thì vẫn là thanh “trắc” giống chữ “kẻ”, không làm lạc điệu câu thơ. Trong thi pháp, các chữ (đúng ra gọi là từ ngữ) thuộc thanh “trắc” là những chữ có dấu “sắc, hỏi, ngã, nặng”, còn những chữ thuộc thanh “huyền” là những chữ có dấu “huyền” hoặc “không có dấu”.

    Nguyễn Huệ là kẻ phi thường
    Mấy lần đánh đuổi giặc Xiêm, giặc Tàu

    Chữ “Xiêm” ở dưới hoàn toàn không cùng vần với chữ “thường” ở câu trên.

    Mấy lần đánh đuổi giặc Xiêm, giặc Tàu
    Ông đà chí cả mưu cao

    Chữ “cao” không thật cùng vần với chữ “Tàu” ở câu trên.

    Ông đà chí cả mưu cao
    Dân ta lại biết cùng nhau một lòng

    Chữ “nhau” không thật cùng vần với chữ “cao” ở câu trên.

    Dân ta lại biết cùng nhau một lòng
    Cho nên Tàu dẫu làm hung

    Chữ “hung” không thật cùng vần với chữ “lòng” ở câu trên.


    Cho nên Tàu dẫu làm hung
    Dân ta vẫn giữ non sông nước nhà

    Chữ “sông” không thật cùng vần với chữ “hung” ở câu trên.

    Nhưng thôi, những câu thứ 2 trở xuống không được vần 100% nhưng hơi hơi giống thì cũng có thể tạm chấp nhận, còn 2 câu đầu thì hoàn toàn lạc vần.

    Không lẽ “danh nhân văn hóa thế giới” mà làm bài thơ tồi như vậy sao?

    Tôi nghĩ đây là sự giả mạo thơ của CT. HCM.

    Và chắc vì do chính đã "lỡ" dùng một bài thơ "mạo danh", nên những người có trách nhiệm đã "sửa sai" bằng cách hủy bỏ, và thay bằng một bài thơ khác có xuất xứ rõ ràng, kiểm tra được?

    PVT

    Trả lờiXóa