Càng tới những ngày bầu cử, không khí càng chộn rộn và... nghiêm trọng. Hôm qua, ông anh mình thì thầm: "Sắp tới có rất nhiều sự thay đổi nhân sự và nhiều... bí mật được hé lộ" khiến mình tò mò: "Lĩnh vực nào vậy?". Ông anh cười bí hiểm: "Đủ hết các cấp các ngành!" và không quên dặn: "Bí mật quân sự đấy nhé!". Câu chuyện của ông anh khiến mình nhớ đến chuyện Bí mật quân sự của nhà báo Huy Minh (Huy Bom) hồi đang là sinh viên Đại học Tuyên giáo (nay là Học viện Báo chí và tuyên truyền). Hình như ở đâu người ta cũng có những bí mật, vấn đề là bí mật ấy được xếp vào loại nào? Hay chỉ là những câu chuyện tầm phào, được quan trọng hóa, nâng vấn đề cho ra vẻ quan trọng, cần thiết?..
Hồi sinh viên, bọn mình mê anh Thắng lắm. Anh Thắng là sĩ quan quân đội cử đi học, ở gần phòng chúng mình. Thi thoảng anh lại vận quân phục chỉnh tề, sao vạch đầy đủ, thong thả bước trên sân trường, trông rất là khí thế. Mình với thằng Đinh Cao Cường (giờ làm ở báo Lào Cai), là mê anh nhất. Dạo anh rỉ tai chúng mình nói rằng, anh là người của Tổng cục II, cấm được nói với ai, bọn mình lại càng mê tợn. Thích thế, giá mà lớn lên chúng mình được như anh ấy.
Anh có vẻ nghiêm nghị, anh không gọi chúng mình là các em, mà gọi là các đồng chí. Ví như anh bảo: "Chiều nay đồng chí nào xuống hồ mò trai nấu cháo cải thiện cho các anh em thì xung phong".
Hồi ấy khu Ký túc xá (KTX) của bọn mình toàn cỏ dại, các thầy cô giồng đầy khoai lang với cả dọc mùng. Trước khu nhà KTX là một cái ao rất to, đã có một vài chị em bị phụ tình vừa khóc hu hu vừa nhảy xuống đó quyên sinh, nhưng tất nhiên là không ai chết. Ao rất nhiều loài thủy sản có thể ăn được. Chúng mình kiếm được cái nồi quân dụng, gạo, củi, rau thơm thái nhỏ, chỉ thiếu cái gì nấu kèm. Anh Thắng chỉ huy một đoàn xuống ao mò trai, "đồng chí này mò chỗ nọ", "đồng chí kia mò chỗ kia"… Trai dưới ao trường khác hẳn trai thường, chắc được ngửi qua mùi con gái bị phụ tình hay sao ấy (Hi! Hi!), con nào con nấy to như hai bàn tay úp vào nhau. Anh Xuân Phong (giờ là chủ doanh nghiệp đá xẻ), nhà bán cháo gà, nên hay được mẹ gửi ra cho mấy lít mỡ, xung phong đi lấy để phi hành mỡ rán trai. Ôi chao là thơm.
Cái nồi quân dụng cháo để giữa sân, anh Thắng chưa kịp hô “Các đồng chí! Chiến đấu!” thì cả mấy chục chú đã thìa bát ầm ầm kéo tới. No căng rốn.
Thích nhất là nghe anh Thắng kể chuyện (người của Tổng cục II mà lị). Thường là buổi tối, sau khi đã "sôi kinh nấu sử", nếu không đi nhảy nhót với thằng Hải béo (giờ làm Công an huyện Quỳ Hợp), hoặc đi theo thằng Tùng Chè (giờ nó vẫn là con cô Chè), sang các trường khác ngồi đần độn chả biết nói gì trong các phòng sinh viên nữ, thì chúng mình thường quây quần để nghe anh Thắng kể chuyện.
Có hôm anh bảo: "Ở biên giới phía Bắc mình có một dàn pháo hạng nặng, tầm bắn có thể tới Bắc Kinh". Thằng Đinh Cao Cường nó cãi: "Vua chiến trường của Mỹ cũng chỉ bắn được mấy chục cây số, pháo gì mà bắn được từ Lạng Sơn tới Bắc Kinh thế?". Anh phẩy tay: "Chính anh đã đứng trong nòng khẩu pháo ấy! Chân ở mép nòng dưới, với tay lên mới chạm mép nòng trên". Thằng Cường nó lại cãi: "Thế quả đạn nó phải to như cái cót đựng thóc cơ à? Lấy gì đủn đít cho quả pháo nó bay được xa như vậy hở anh?". Anh lại phẩy tay: "Thế mới gọi là bí mật quân sự. Còn cãi nữa, lần sau anh không kể gì cho các đồng chí nghe đâu!".
Thằng Cường nín khe.
Hôm khác anh lại kể: "Này biết gì không? Vừa tập trận ở Cam Ranh chiều nay đấy. Tầu ngầm của nước mình hơi bị nhiều, phải tội là nhiều chiếc cũng hơi cũ. Anh vừa nghe tin, có chiếc cũ quá đang tập thì nổi ngửa cả bụng lên mặt nước". Mình thấy thằng Cường nó định phát biểu gì đó, nhưng lại thôi.
Sáng hôm sau đi học, thằng Cường hỏi mình: "Mày còn nhớ vụ tầu ngầm không?". "Nhớ, làm sao? Thế đéo nào mà cái tầu ngầm lại nổi ngửa bụng lên mặt nước được mày nhỉ? Cái tầu bằng sắt chứ có phải là con cá chết đâu mày nhỉ?".
Mình phẩy tay: "Thế mới gọi là bí mật quân sự".
Tự nhiên hôm nay đọc báo về quân cảng Cam Ranh, mình lại nhớ về anh Thắng.
Bác Mai Thanh Hải ơi,cái này có phải là bí mật quân sự không:
Trả lờiXóahttp://cuocchienchongphongtoa.blogspot.com/2011/04/trung-con-tau-tankist-173-giua-thu.html