4 tháng 4, 2016

GIỮ MỐC BIÊN GIỚI PHÍA BẮC - KỲ 1: NÓNG BỎNG HÀ GIANG


Thanh Niên - Cuối tháng 12.2008 hoàn thành phân giới biên giới đất liền Việt - Trung, nhân dân các tỉnh biên giới phía Bắc mới tạm kết thúc 54 năm đấu tranh giữ đường biên, mốc giới.

Dằng dặc từ năm 1954 cho đến cuối tháng 12.2008 (thời điểm Việt Nam và Trung Quốc đã ra Tuyên bố chung về việc hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc), quân dân 7 tỉnh biên giới phía Bắc đã kiên cường đấu tranh gìn giữ, khẳng định đường biên, mốc giới và mồ hôi, xương máu của họ đã thấm đẫm từng dải đất biên cương. Trong giai đoạn bảo vệ và quản lý biên giới, mốc quốc giới hiện nay, vẫn còn những hy sinh vất vả nhưng mốc biên cương luôn vững chãi, khẳng định chủ quyền.

“Trong khi dưới xuôi đang lo xây dựng, thống nhất đất nước thì từ năm 1954, quân và dân Hà Giang đã phải đối phó với các hoạt động xâm canh, xâm cư, lấn chiếm biên giới của Trung Quốc tại Hoàng Su Phì, Vị Xuyên, Đồng Văn, Quản Bạ”, nguyên Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Giang Sùng Đại Dùng kể với tôi như vậy, trong cuộc trả lời phỏng vấn cuối cùng, trước khi ông mất (2.2014) và tôi vẫn nhớ ông khoát tay: “Cuối tháng 12.2008 hoàn thành phân giới biên giới đất liền Việt - Trung, nhân dân các tỉnh biên giới phía Bắc mới tạm kết thúc 54 năm đấu tranh giữ đường biên, mốc giới”…


Đàm cứ đàm, lấn cứ lấn

Tại cuộc hội đàm về biên giới Việt Trung giữa khu Việt Bắc (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc), tổ chức tại Côn Minh (Trung Quốc) ngày 16.10.1959, khi đại diện Việt Nam đề nghị Trung Quốc có biện pháp chủ động ngăn chặn vấn đề người Trung Quốc xâm canh, xâm cư vào lãnh thổ Việt Nam và việc quốc giới (cột mốc) bị vi phạm, đồng thời cương quyết yêu cầu thực hiện thỏa thuận “2 bên tôn trọng đường biên giới do lịch sử để lại”, Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam Tô Vũ Định đã sẵng giọng: “Tình hình xâm canh, xâm cư là rất phức tạp, cả chúng tôi và cả các đồng chí cũng có hiện tượng đó. Cho nên tốt nhất là chúng ta giữ nguyên hiện trạng”… Sự lửng lơ này đã cho thấy ý đồ đưa mọi việc thành “sự đã rồi”, đồng thời càng làm gia tăng tình trạng phức tạp ở vùng biên, nhất là các vụ Trung Quốc lấn chiếm đất Việt Nam ở nhiều điểm thuộc huyện Hoàng Su Phì, Vị Xuyên, Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc.

Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành chức năng, riêng trong 2 năm (1962-1963) đã có 25.918 lượt người Trung Quốc vượt biên giới trái phép để mua bán, khai thác lâm thổ sản, vi phạm chủ quyền Việt Nam.

“Họ thực hiện kế sách từ hồi xưa: Cấp trên cứ đàm phán nói chuyện, cấp dưới cứ thực hiện lấn chiếm”, ông Nguyễn Vũ Dương, nguyên Đồn phó Đồn Biên phòng (BP) Lũng Làn (Mèo Vạc) những năm 70 lắc đầu vậy và kể: “Cuộc đấu tranh chống lấn chiếm của chúng tôi hồi ấy chưa phát sinh những vấn đề căng thẳng tới mức phải dùng bạo lực do phía Trung Quốc còn cố tình che đậy ý định lấn chiếm, chưa công khai quản lý và chưa trắng trợn tuyên bố chủ quyền ở những nơi họ đã lấn chiếm. Nhiều lần chúng tôi tuần tra phát hiện họ sang hẳn đất ta đo đạc, khảo sát nhưng cũng chỉ nhắc nhở, yêu cầu họ rút về. Từ sau 30.4.1975, cuộc đấu tranh chống lấn chiếm mới thực sự phức tạp”.

“Sao chúng mày sang phá lúa chúng tao?”


Một lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BCHBĐBP) Hà Giang cho biết: Từ 1975, phía Trung Quốc tuyên truyền bằng nhiều phương tiện, hình thức rầm rộ với khẩu hiệu: “Trung Quốc bị Việt Nam lấn chiếm, Việt Nam vi phạm chủ quyền” và ngang nhiên tuyên bố các khu vực đất đai mà họ đã lặng lẽ chiếm của Việt Nam đến thời điểm ấy (Hồ Pả, Mã Tẻn thuộc Hoàng Su Phì; khu vực mốc 14 đoạn II, Nậm Ngặt thuộc Vị Xuyên; Nghĩa Thuận, Bát Đại Sơn ở Quản Bạ; Dì Thàng, Mã Lủng Kha ở Đồng Văn; Lũng Li, Trà Mần thuộc huyện Mèo Vạc) là “lãnh thổ không thể chối cãi của Trung Quốc, phải lấy lại”.

“Thường thì họ cho dân binh có lực lượng vũ trang làm áp lực, vượt qua biên giới xâm canh, xâm cư. Có vụ họ cho dân binh sang thu hoạch hoa màu của dân ta rồi cậy đông, dùng vũ lực đe dọa bộ đội và nhân dân ta. Ở Dì Thàng, Mã Lủng Kha (Đồng Văn) họ còn cho công nhân lâm nghiệp sang đất ta trồng cây gây rừng”, ông Ly Chứ Sùng (sinh năm 1959, nguyên Chủ tịch MTTQ xã Lũng Cú, Đồng Văn) kể lại và liệt kê: Cùng với BĐBP, tất cả quần chúng nhân dân cả trẻ già trai gái tham gia đấu tranh chống lấn chiếm. Hiệu quả nhất là những người già, họ gọi những người quen trong toán lấn chiếm, ân cần chỉ bảo: “Sinh sống ở biên giới bao năm, phải biết đất này của Việt Nam chứ. Đều qua lại uống rượu, sao giờ chúng mày sang phá hoại hoa màu chúng tao?”.

Nhật ký của Đồn trưởng BP Thanh Thủy (Vị Xuyên), năm 1977 còn ghi rõ sự việc: Cuối tháng 7.1977, một số người Trung Quốc tham gia lấn chiếm đã gặp BĐBP Việt Nam giãi bày: “Chúng tôi biết rõ đất này là của Việt Nam. Nhưng bắt buộc chúng tôi phải sang. Nếu không sẽ bị phạt và cả nhà bị gây khó dễ. Mong các bạn hiểu cho tình cảnh”.
Thấy việc bắt dân lấn chiếm không hiệu quả, phía Trung Quốc cài nhiều tên côn đồ trong số dân binh, tăng cường khiêu khích dọa nạt, hành hung BĐBP và nhân dân ta. Đối phó với chúng, phía ta nắm trước thời gian, địa điểm mà phía Trung Quốc huy động dân lấn chiếm và điểm mặt từng tên côn đồ trà trộn, để có biện pháp đối phó riêng… “Có thời gian chỉ ăn và đi chống lấn chiếm. Có quyết liệt vậy mới giữ được Mã Lủng Kha, Hồ Pả, Mã Tẻn, Lũng Li, Nậm Ngặt… cho đến bây giờ”, ông Lý Chứ Sùng cười.

Lùi mốc, bắt bộ đội

Những năm 1975-1979, ở khu vực Nậm Ngặt, Nghĩa Thuận (Quản Bạ), mốc 11 (Đồng Văn) và mốc 7 Bạch Đích (Yên Minh)… phía Trung Quốc lấn chiếm bằng cách: Lợi dụng đêm tối, sương mù, ngày mưa… bí mật di chuyển cộc mốc, tiêu chí biên giới sâu vào trong lãnh thổ Việt Nam hòng lấn chiếm hàng chục km2 của ta. Sau đó lính Trung Quốc mai phục, bắt cóc BĐBP đang đi tuần tra, vu khống Việt Nam vi phạm chủ quyền.

Ông Giàng Thìn Lùng là Đồn phó Đồn BP Nghĩa Thuận (Quản Bạ, Hà Giang) giai đoạn 1977-1979 nên rất rành rẽ. Ông kể, từ đầu năm 1976, phía Trung Quốc tăng cường lấn chiếm dọc biên giới Hà Giang và đặc biệt là ở khu vực biên giới Nghĩa Thuận, Bát Đại Sơn do Đồn phụ trách. Mặc dù ta đã nhiều phản kháng, nhưng phía Trung Quốc vẫn phớt lờ, ngày càng gia tăng các hoạt động xâm nhập vũ trang, xâm canh lấn chiếm biên giới. Đỉnh điểm là đầu tháng 5.1977, đội tuần tra của Đồn gồm 6 người do trung úy Viên Đình Thượng làm Đội trưởng làm nhiệm vụ tuần tra từ thôn Cao Mã Pờ về đồn. Khi đến khu vực mốc 3 (đối diện thôn Hoàng Thèn, Bát Bố, Trung Quốc) đã bị lính BP Trung Quốc và dân binh phục kích, ỉ đông bắt giữ và vu cáo “BĐBP Việt Nam xâm nhập lãnh thổ Trung Quốc”. Suốt 10 ngày trời bị giam trong nhà giam đối phương, các chiến sĩ ta kiên cường đấu tranh vạch trần âm mưu thủ đoạn vu khống và đòi phía Trung Quốc tôn trọng lịch sử. Trước sự phản kháng, Trung Quốc phải trao trả cả đội với đầy đủ vũ khí, trang bị.

Ngày 20.7.1978, tại khu vực Hồ Pả - Mã Tẻn (Bản Máy, Hoàng Su Phì), lính Trung Quốc lén lút di chuyển cột mốc vào sâu trong đất ta, phục kích bắt tổ tuần tra 3 người của Đồn BP Bản Máy do thiếu úy Nguyễn Xuân Thiều chỉ huy đang làm nhiệm vụ. Khi anh em kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền, chúng dùng dao, báng súng đánh đập dã man và bắt trói, khiêng về phía Trung Quốc.
Theo thống kê chưa đầy đủ, trong năm 1978, khu vực biên giới của tỉnh Hà Tuyên (nay là Hà Giang) đã bị phía Trung Quốc lấn chiếm 11 điểm với 32 vụ khá căng thẳng.

Ngày 28.10.1967, nhân dân báo tin cho Đồn BP Phó Bảng (Khi đó là Công an nhân dân vũ trang): Có 1 cán bộ Đại sứ quán Trung Quốc từ Hà Nội lên thăm đơn vị bộ đội của họ đang làm đường giúp ta, trong địa bàn Đồn phụ trách. Họ trương khẩu hiệu, biểu ngữ, treo ảnh lãnh tụ của họ để tổ chức mít tinh. Dùng loa phóng thanh ngang nhiên tuyên truyền về “Đại cách mạng văn hóa vô sản” ở Trung Quốc, trích đọc “sách đỏ” và kêu gọi nhân dân Việt Nam ở khu vực Phó Bảng (Đồng Văn, Hà Giang) đến tham dự.
Ngay lập tức, Đồn trưởng BP Phó Bảng trực tiếp chỉ huy 1 tổ cán bộ chiến sĩ và quần chúng cốt cán tới ngay địa điểm, yêu cầu vị cán bộ sứ quán chấm dứt hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Trước lý lẽ đanh thép của tổ công tác, phía Trung Quốc buộc phải hủy bỏ mít tinh, dẹp bỏ lễ đài và dỡ bỏ cờ, ảnh, khẩu hiệu mà họ đã treo. (Nguồn: BCHBĐBP Hà Giang)

Mai Thanh Hải

Kỳ 2: Rập rình Bản Giốc

Các mốc 835, 836 (chính - phụ) được cắm tại khu vực Thác Bản Giốc (Đàm Thủy, Trùng Khánh, Cao Bằng) năm 2001 đã tạm chấm dứt các vụ tranh chấp. Thế nhưng với người dân Đàm Thủy, tinh thần cảnh giác vẫn luôn thường trực và họ sẵn sàng có mặt bên mốc giới - đường biên, chỉ sau 3 tiếng kẻng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét