13 tháng 10, 2012

TRẦN TRỤI GIỮA BẦY SÓI

Mai Thanh Hải - Dùng chữ này, mới chính xác về "hoàn cảnh" của cô giáo Hà Thị Thu Thủy (Giáo viên dạy Văn, Trường THCS Lômônôxôp, Từ Liêm, Hà Nội) những ngày này.

Nguồn cơn bắt đầu từ việc cô Thủy cho điểm 8 bài viết của học sinh bình mấy câu ca dao ngày xưa viết về Hồ Tây (Hà Nội), khiến "Phụ huynh phát hoảng khi thấy con bình: Canh gà Thọ Xương là món canh gà của Hà Nội" (nguyên văn chữ dùng của báo chí) và vị phụ huynh này "méc" với 1 phóng viên, sau đó báo chí ào ào lao vào xâu xé, "đánh hội đồng" cô giáo trẻ tuổi đời, ít tuổi nghề, khiến cô giáo phải làm Đơn xin nghỉ việc, về quê, vào Bệnh viện điều trị.

Lâu lắm rồi, mình không đọc báo, nhất là báo mạng. Hôm ngồi quán bia, nghe mấy ông bạn phàn nàn: "Cách viết của Vnexpress không khác gì đẩy người ta vào chân tường. Cô giáo này mà quẫn lên tự tử, chúng nó lại có thêm đề tài để... kim bôi thêm nữa. Quá lá cải và mất tính người!", mới lẩn mẩn tìm đọc, để rồi lắc đầu cùng tiếng thở dài của đám bạn: "Thế này, cái lão trong Quy Nhơn tố cũng phải!"..

Hết báo "đánh", đến báo "bênh", khiến chủ đề "Cô giáo Thủy - Canh gà" trở nên hót, hơn cả những việc "đại sự quốc gia" đang được bàn bạc trong Hội nghị TW6, làm quên luôn việc "Trung Quốc liên tục có những động thái xâm phạm chủ quyền Việt Nam" mãi tít Hoàng Sa, lấp luôn chuyện giá cả ngày một tăng - đời sống người dân tụt xuống, như chơi đồ hàng trên cát...

Xuôi ngược và tanh bành, mình tâm đắc nhất câu than thở của 1 Nhà báo lớn trên FB: "Lãnh đạo đi họp Tối mật, không khánh thành - khai trương - động thổ, báo chí chả có gì đưa, đâm ra tội nghiệp cô giáo Canh gà Thọ Xương và thằng cu bắt cóc trẻ con"...

Khổ! Báo chí bay giờ, phần đa là như thế đấy. Căn bệnh "đánh hội đồng", "hiếp dâm tập thể" tưởng chỉ xảy ra ở những vụ việc lớn, có tý màu mè... nhưng giờ lại diễn tiếp ở khía cạnh xã hội, đơn thuần mục đích "kiếm tý định mức bài vở - nhuận bút".

Đã thế, hành vi này lại được tiếp tay bởi vô số những người viết (không phải Nhà báo - Phóng viên), ngày đêm mài đũng quần trên ghế, lướt mạng tìm thông tin, xào xáo thành tin - bài - ảnh lâm ly bi đát, câu khách - giật gân...

Hậu quả nhãn tiền, nhìn ngay lúc này là cô giáo Hà Thị Thu Thủy dạy Văn bị chính những người học - làm trong nghề Văn chương chữ nghĩa lao vào cắn xé, móc máy, tìm ra mọi chi tiết "công tằng tổ tỷ" từ hồi còn nhỏ, sống ở nhà, đi học, đi làm... và trưng lên trang nhất, khiến 1 thân cô trần trụi, đỡ không nổi...

Đến cô giáo đàn bà con gái, quá trẻ tuổi đời - tuổi nghề và với cái lỗi như vậy, mà còn bị "phang" tới tấp, thành trụi trần giữa bầy sói đói tin bài - đề tài, nữa là...
 Chả thế mà bây giờ, người ta chả muốn đọc báo và chả tin vào báo, cho dù đó là những tờ, chính danh "Báo chí Cách mạng Việt Nam".

Đăng lại Bài viết của tác giả Hiệu Minh, để lý giải nguyên nhân: Tại sao người đọc thích tìm đến Blog hơn là báo, cho dù người viết Blog chẳng có lương viết, chẳng làm nghề "định hướng tư tưởng - tuyên truyền chủ trương", như những người viết suốt ngày ăn cải - viết cải và sống bằng lá cải, bây giờ...

Cũng mong cô giáo Thủy sớm quay trở lại công việc. Ai chả có lỗi lầm, quan trọng là biết để không mắc phải và hơn nữa: Đừng bận tâm gì đến mấy thứ báo vớ vẩn. Lá cải đấy, đầy ngoài chợ. 
----------------------------------------------------------------------------------------------
                                                   NỀN GIÁO DỤC... HÓC XƯƠNG GÀ

Nhớ hồi cu Luck đi học vỡ lòng bên Mỹ, cô giáo ra bài, hãy vẽ cầu vồng. Ở thành phố biết cái cầu tròn méo như thế nào, bố ấy vẽ luôn hai trụ, một vạch nối ở giữa và đề “Cầu Vồng”. Cô vẫn chấm điểm “good – 8”.

Nghĩ là giáo dục Mỹ bị “hóc xương gà”, lão bố lầm bầm, tưởng giỏi và hiện đại, hóa ra cũng…dốt.

Tai nạn nghề nghiệp

Mấy ngày nay, báo chí rộn lên về cô giáo Hà Thị Thu Thủy của trường THPT Lômônôxôp (Từ Liêm, Hà Nội) cho điểm 8 một bài viết của học sinh bình mấy câu ca dao nổi tiếng viết về Hồ Tây (Hà Nội):

Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mờ khói toả ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ


Phụ huynh phát hoảng khi thấy con bình “canh gà Thọ Xương” là món “canh gà” của Hà Nội.

Chuyện này không lạ. Thời xưa, tôi cũng từng hiểu “canh gà” là món canh nấu thịt gà vì tiếng Việt rắc rối, đồng âm khác nghĩa. Đi học đói khát, nghe canh gà tiết vịt là chảy nước dãi. Hề Sác Lô đi tìm vàng, đói quá, nhìn ông bạn hóa con gà tây thì sao.

Chuyện quá nhỏ mà phụ huynh kiện, báo chí đánh hôi, bạn đọc chế giễu, dù cô Thủy đã giải trình “Có một số học sinh hiểu sai “canh gà Thọ Xương” là món canh của Hà Nội, tôi đã trừ điểm… Tôi đã trực tiếp nhắc các em trên lớp về sửa lại lỗi sai này”.

Dư luận vẫn không tha, cho rằng cô dốt nát, không đủ tư cách đứng trên giảng đường.

Kết quả, giáo sư tâm hồn đi bệnh viện khám tâm lý, đâm đơn nghỉ việc sau áp lực nặng nề tứ phía. Về quê, tắt điện thoại di động và hiện không biết ở nơi nào. Chắc là nàng khóc hết nước mắt.

Các em học sinh ngơ ngác, nhớ cô, lập Facebook, lên internet, kêu tha thiết “cô hãy về với chúng em”.

Ai từng làm giáo viên sẽ hiểu, làm nghề này không đơn giản.

Một lớp 50 học sinh, nộp 50 bài văn, mỗi bài vài trang, nhân lên khoảng 200 trang, bằng một cuốn sách gồm 50 truyện ngắn mà phải đọc trong vài tiếng,  nhận xét, cho điểm. Các truyện cùng nội dung, đầy lỗi chính tả và ngữ pháp, câu  lủng củng, chữ tát đánh chữ tộ,  viết như gà bới.

Chấm 10 bài đầu còn đọc kỹ, duyệt lỗi, chi li từng câu chữ. 10 bài tiếp là có vấn đề vì mắt hoa và môi trường “lợn kêu, con khóc, chồng đòi tòm tem”. 30 bài còn lại coi như tháo khoán. Bỏ qua lỗi “canh gà” xảy ra như cơm bữa.

Hồ Tây nay có như xưa?

Chuyện nhầm lẫn này còn có nguyên nhân khác. Học đi đôi với hành. Liệu học sinh của ta có được đi thực tế để so với những gì viết trong văn thơ?

Lên hồ Tây bây giờ, thấy cành trúc la đà chỗ nào, có nghe gà gáy sang canh, chày Yên Thái giã giấy hay mặt gương Tây Hồ mịt mù khói tỏa mộng mơ?

Hay là thấy nhà cửa nhấp nhô, cái cao, cái thấp, thò ra thụt vào, nửa tây nửa ta, nửa Á, nửa Âu, pha chút kiến trúc đạo Hồi, đôi khi thêm củ hành nước Nga trên nóc.

Hồ thối hoăng, cá chết đầy, nước đục ngầu. Những kẻ câu trộm cá cởi trần trùng trục tha hồ làm mưa làm gió. Có dám chắc là mặt gương Tây Hồ trong thi ca.

Làng Yên Thái đâu còn ai giã giấy mà nghe được tiếng chày. Đất cát bán hết đất rồi, dân có tiền  lao vào cờ bạc, rượu chè, nghiện hút đầy, sáng ra quán nước, hút thuốc lào vặt, chiều đợi lô đề.

Có người vẫn làm giấy, nhưng là thu giấy vụn từ mọi nguồn, kể cả giấy vệ sinh đã qua sử dụng, mang về nghiền ra, rồi làm thành giấy lau miệng. Loại giấy ấy không cần chầy giã.

Làng quanh Hồ Tây đã bị đô thị hóa, nham nhở như Thị Nở, làm gì còn chỗ nuôi gà, để đêm đến nghe được tiếng gà gáy mà gọi là “canh gà”. Thay vào đó là nhà hàng từ hải sản đến thú hoang, gà đồi Vĩnh Phú, gà chân chì hay gà ri thả rông.

Thế hệ ngày nay lên phía Hồ Tây liệu có tưởng tượng ra nơi mà cố thi nhân đi qua cách đây cả thế kỷ và viết nên những áng thơ để lại cho muôn đời.

Với các em, quanh Hồ Tây là nơi hết giờ học có thể chia nhau đĩa ốc luộc, quả ổi, cánh gà nướng, chân gà luộc, lê la nhìn những kẻ bắt cá trộm văng tục chửi thề.

Trong bối cảnh như thế, tại sao người lớn chúng ta cứ bắt các em hiểu canh gà Thọ Xương là gà gáy sang canh cách đây hàng 100 năm.

Đó là vết mòn trong giáo dục, trong gia đình, đầu óc cố hữu và bảo thủ, không chịu nhìn vào thực tế mà dạy dỗ các em. Một nền giáo dục theo khuôn mẫu, văn mẫu, toán mẫu, người mẫu, chỉ tội ra đời là hết cả mẫu mực.

Mải đi theo lối mòn nên học sinh viết khác đi chút là không thể chấp nhận được. Một học sinh phản hồi về Tấm Cám, là Tấm thật ra rất độc ác, giết cả em và gì ghẻ rồi làm mắm ăn, hay em khác lên án tại sao người mẹ – chị Dậu lại bán con. Cả xã hội lên án ầm ầm và nghi ngờ thế hệ tương lai.

Để các em hiểu “canh gà Thọ Xương” là món canh nấu thịt gà thì chẳng chết ai, vì nó thực tế với Hồ Tây bây giờ, vì cái tiếng Việt nước mình nó thế.

Hãy để không gian cho các em tự do sáng tạo, quan sát Hồ Tây và chiêm nghiệm với thơ ca theo cách hiểu của tuổi thơ.

Vĩ thanh

Kết thúc entry, tôi xin kể tiếp về cuộc gặp với cô giáo vỡ lòng của cu Luck. Tôi băn khoăn tại sao cho điểm good (tốt) về cái cầu vồng mà không phải…cầu vồng.

Cô giáo cười, anh nên để trẻ vẽ theo những gì mà chúng cảm nhận. Tại sao cầu vồng phải có bẩy sắc, có lúc chỉ thấy vài mầu thì sao. Mầm mống của sáng tạo và thiên tài được phát huy khi bản ngã và tự do cá nhân được tôn trọng.

Một lần đi câu cá ở Chesapeak Bay, trời mưa chiều, cả nhà reo lên khi thấy cầu vồng. Từ đó cu Luck biết vẽ cái cầu đa sắc mầu cho Ngưu Lang Chức Nữ gặp nhau.

Lúc ấy tôi mới hiểu, chính lão bố mới cổ hủ, được giáo dục trong môi trường “không thể chấp nhận cầu vồng không có mầu”, “canh gà nhất định phải là gà gáy” mà không thể là món xúp gà mà bọn trẻ yêu thích.

So sánh giáo dục Mỹ và nước mình không biết anh nào đang “hóc xương gà”.

HM. 13-10-2012

PS. Xin chúc cô giáo Thu Thủy bình an và mong cô trở lại trường tiếp tục giảng dạy môn văn mà cô yêu quí.  Trong hoạn nạn, đám học trò lập facebook gọi cô giáo trở về, các em xứng đáng là chủ tương lai cho đất nước này. Chúng không lập blog trolambao.com hạ bệ cô là may lắm rồi

10 nhận xét:

  1. Bài viết quá hay! Cảm ơn Anh Hải.

    Trả lờiXóa
  2. Viết hay quá, đọc mà thấy bi - hài. Đọc đến chỗ củ hành Nga của bác thì tôi ko nhịn nổi cười. Cám ơn bác.

    Trả lờiXóa
  3. Báo mà cũng viết như clog thì các nhà báo có mà ăn...!

    Trả lờiXóa
  4. Bác nói nhiều kinh, sợ mồm bác thật.

    Trả lờiXóa
  5. ko có chuyện để cho các em sáng tạo đâu,phải học và làm theo sự sáng tạo của các giáo sư tiến sĩ khuôn mẫu nhé,như 1 bài báo nói:biết bao giao sư tiến sĩ mà ko có được cái công trình,phát minh nào đăng trên các tạp chí uy tín thế giới

    Trả lờiXóa
  6. cung chua biet nep te the nao ma

    Trả lờiXóa
  7. Thực ra tôi đã nghe một thầy giáo dạy tiếng Nga cho biết ( chừng 30 năm trước)rằng: bài ca dao(thơ) này được dịch sang tiếng Nga cũng với cách hiểu canh gà như vậy, và người ta dịch lại thành tiềng Việt như thế này: Gió thổi nghiêng cành trúc; Làm xiên tà vẹt(!!!) đường. Mụ già đánh một hồi chuông; Canh gà húp vội hóc xương mấy lần.
    Theo cách đọc hậu hiện đại, người ta hoàn toàn có quyền hiểu canh gà thọ xương là hóc xương gà từ món canh(!). Tiện thể làm chơi cho nó ngang xương: Canh gà, canh vịt, canh ngan, Trong ba thứ ấy em chan canh nào?
    Lại liên tưởng đến câu định nghĩa rất xương của Vũ TRọng Phụng về nghề nhà báo: (Nhân vật người kể chuyện nói về đám chó????): Lũ chó sủa ngậu sị, vô nguyên tắc hệt như đám nhà báo!!!!
    Hu hu.
    Lại còn phụ huynh học sinh nữa. Nếu thấy có sai sót kiểu như vậy thì gặp cô giáo để tìm hiểu, hà tất phải vượt cấp lên đến hiệu trưởng??? Rồi đành đạch dẫy lên? Đúng là tư duy con trẻ, tư duy kiểu mách bố, mật thám.
    Hu hu dân ta ơi.
    Buồn

    Trả lờiXóa
  8. @Tiến Đặng

    Mụ già đánh 1 hồi chuông; Canh gà húp vội hóc xương mấy lần.

    hahaha. Hồi còn bé tôi cũng đã từng được nghe những thứ tương tự thế này rồi...buồn cười chết thôi. Nhưng mà đúng thực trạng...

    Bác Hải viết bài này hay quá.Phải xem lại toàn bộ nền giáo dục nước nhà. Người ta dạy dỗ con em chúng ta theo lối mòn, sáo rỗng quá rồi. Bọn trẻ không thể nào độc lập tư duy được...

    Mới lại toàn đem những lối mòn cho xe tăng hạng nặng đi mà bắt tụi nhỏ đi theo,lún vô sình là phải rồi...

    Trả lờiXóa
  9. Ấy nếu GV có bị coi là dốt cũng phải! có bao nhiêu đứa học giỏi đi học nghề Kinh tế nhiều tiền bạc hết rồi. Còn mấy em "chuột chạy cùng sào" đi dạy học thui. Chê GV dốt, thì thi vào sư phạm mà làm GV giỏi. Đứng ngoài phán làm gì chả hay.

    Trả lờiXóa
  10. Kim bôi nghĩa là gì? Xin nhà báo MT Hải cho biết với.

    Trả lờiXóa