5 tháng 7, 2012

GẮNG SỐNG Ở LÝ SƠN

Mai Thanh Hải - Huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) có gần 21.000 dân và tất cả họ đều làm nghề biển hoặc liên quan đến biển.

Bao đời nay, cái nghề biển vẫn may rủi - mong manh: Cho lắm tôm nhiều cá đấy, nhưng đùng cái là gió lốc, giông bão lôi tuột cả tàu to thuyền nhỏ vào lòng biển như muốn chơi trò "ông mất chân giò, bà thò chai rượu" với dân đi biển, để lại khô cong nước mắt cho những thân phận phụ nữ, trẻ thơ côi cút chờ đợi trên bờ.

Với dân biển Lý Sơn, mọi nhẽ khổ đau - mất mát còn gấp nhiều lần bởi họ không chỉ bị giông bão, thời tiết hăm dọa, mà còn phải đối mặt với đủ loại tàu to, xuồng nhỏ, máy bay... của Trung Quốc, từ phía ngoài Hoàng Sa cho đến mép Biển Đông, sẵn sàng nhả đạn, đâm va - húc ủi, trấn cướp, đòi tiền chuộc khi họ đang cặm cụi kiếm con cá, mớ tôm ở ngay vùng biển quê mình.

Vì thế mà ra Lý Sơn, hỏi chuyện "ngư dân bị Trung Quốc bắt giữ", từ đứa trẻ cho đến người già đều phẩy tay: "Chuyện nhỏ!".

Hôm Đoàn "Nghĩa tình Lý Sơn" chúng mình ra tận Lý Sơn trao mọi sự ủng hộ cho bà con ngư dân 3 xã gặp nạn khi đang đánh bắt tại Hoàng Sa, vừa bốc hàng, bệt xuống đất chiêu ngụm nước, mọi người đã dồn dập hỏi "Ai bắt ai?. Ai bị bắt?" khiến anh ngư dân tên Ninh, được xã UBND xã An Vĩnh cử ra giúp bốc hàng cười hiền: "Tôi đây nè! 3 lần lận! Lần cuối suýt bị nó bắn, sợ quá bỏ không dám ra Hoàng Sa!".

Nhìn kỹ gương mặt quen quen, mình té ngửa: "Có phải anh bị Hải giám Trung Quốc bắt hồi tháng 10/2010 tại Hoàng Sa và chúng chụp hình cả tàu giơ tay hàng, khi chúng lục soát, đưa lên báo chí Trung Quốc, sau được lan truyền trên mạng?".
Ngư dân Ninh buồn rầu: "Chúng tôi chạy không nổi tàu chiến Trung Quốc, bị chúng chĩa súng, bắt giơ tay đầu hàng, nhảy sang khám xét, kéo tàu về Phú Lâm, đòi trong bờ gửi tiền chuộc, sau mới thả tàu và người!" rồi nuốt khan trong cổ: "Về tới đất liền, mới được con cháu cho xem hình Trung Quốc chụp mình giơ tay hàng, bị chúng nó bắt giữ, trưng đầy trên mạng!".

Lại nhớ hôm chuẩn bị thực hiện "Chương trình Nghĩa tình Lý Sơn", gọi điện hỏi UBND huyện Lý Sơn về số liệu những ngư dân bị chết, bị tai nạn hoặc thiệt hại nặng khi đang đánh bắt cá ngoài Hoàng Sa, cậu Phó Chủ tịch UBND huyện tên Linh cứ lặng đi như thể tính nhẩm, phía đầu dây bên kia, khiến mình lo lắng:"Sao thế? Sao thế?".

Thở phào khi cậu Phó... thở dài: "Tính sao nổi anh! Thôi để anh em Nghiệp đoàn Nghề cá của từng xã rà soát, cung cấp những đối tượng phù hợp yêu cầu, tiêu chuẩn của các anh, nhưng... chưa được hỗ trợ - giúp đỡ lần nào, để xêm xêm số lượng. Chứ thống kê hết, có mà... cả huyện!".

Nói chuyện khai thác rừng, kiếm kế sinh nhai nơi rừng xanh núi thẳm, người ta hay nhắc: "Ăn của rừng - rưng rưng nước mắt".

Kể chuyện nghề biển, sống bằng con cá con tôm, ngư dân cũng nghẹn ngào: "Ăn của biển, Nước mắt cũng rưng rưng"...

Người ta biết đến Lý Sơn bởi đó là quê hương Hải đội Hoàng Sa - Nơi từ ngàn năm trước, cứ đến cữ biển lặng sóng yên, những người dân chài Lý Sơn lại treo mình trên thuyền tre, bè mủng hướng ra phía Đông ra khai thác sản vật, sang sửa cột mốc chủ quyền ngoài bãi Cát Vàng Hoàng Sa; nơi mà bao năm trước, những người ra Hoàng Sa cầm chắc cái chết trong tay; nơi mà những ngôi mộ gió, không có thân xác người thực, đã trở thành... truyền thống đặc sắc, đau xót đến tận cùng nỗi đau...

Người ta biết đến Lý Sơn bởi đó là đảo tiền tiêu Tổ quốc, "sân sau" của xứ Hoàng Sa "tối thị hiểm yếu" - Nơi mà từ Lý Sơn ra đến Hoàng Sa, tàu cá chạy lề rề cũng chỉ mất 1 đêm tròn; nơi mà bao năm qua, những con tàu đủ màu xanh đỏ, cải trang thành đủ loại đánh cá bắt tôm, nhưng trong vỏ tàu giả trang là những dòng chữ thật, đúc khuôn hình triện... chúng luôn dập dình ngoài khơi hòng chiếm cướp; nơi mà những người khi nằm ngủ, mắt cũng không dám nhắm chặt, như trong đất liền; nơi mà ngày cũng như đêm, những màn hình ra đa Hải quân nhẫn nại quét sóng canh biển giữ trời, cùng những trận địa pháo phòng không, lính thay nhau thức chong trực canh bên vỏ kẻng...

Người ta biết đến Lý Sơn bởi đó là "một trong những điểm du lịch đáng đặt chân đến ở Châu Á", như đánh giá của một Tạp chí Du lịch nào đó - Nơi biển xanh như chưa bao giờ xanh, cát trắng như chưa bao giờ trắng, nắng vàng như chưa bao giờ được vàng.

Nơi mà rong biển quấn quýt với ốc biển, tôm cá trong những vũng nước, đọng lại trên mặt cát khi thủy triều xuống và người ta chỉ vác rá ra nhặt, cũng sống được qua ngày.

Nơi mà những tảng nham thạch khổng lồ (chứng tích một thời của những ngọn núi lửa đã hoạt động) xếp lớp gọn ghẽ lên nhau như bánh quy xốp, đủ mọi sắc màu bên bờ biển, giữa xanh ngăn ngắt cây lá, kề bên nếp nhà, ruộng tỏi, tạo thành khuôn ngực vững chãi chắn sóng gió ngoài biển, chở che những mái lá, thân tàu mỏng mảnh, bình yên.

Nơi mà con người ta sống hào sảng, chân thật, bày bàn nhậu ra tận kè đá hò dô, níu tay mời khách phương xa làm ly quen biết, cặn kẽ chỉ từng gốc cây con đường cho người đất liền ra thăm hỏi, bằng cái giọng nặng trịch muối khàn, nhường từ chỗ ngủ - lon nước cho người mới đến quê...

Thế nhưng chắc chắn sẽ có rất nhiều người ra với Lý Sơn, không rõ một sự thực nằm phía sau những thứ truyền thống - vẻ vang - oai hùng - xinh đẹp:

Cả vạn con người, trầy trật bám trụ từ biển xa cho đến bờ gần, kiếm từ con cá nhỏ bằng hạt cơm cho đến thân cá ngừ đại dương dài vài tay sải, thức trắng đêm, chong chong trưa chang chang nắng, không dám đau ốm - thuốc men, sợ Bệnh viện như sợ cọp...

Cả vạn đàn ông căng cơ tay, rướn bắp chân, đem thân lừng lững toàn xương với thịt, núp sau chân sóng dạt ra tận Hoàng Sa, đợi đêm đến, không dám bật đèn trên tàu, chỉ dám để đèn lặn nhỏ như đốm sáng đom đóm, lao xuống biển, mò mẫm tìm con cá, mớ tôm, đầu thấp thỏm lo lính Trung Quốc thấy sáng đèn, lao xuồng ra bắt giữ...

Cả nghìn đàn ông bị thương, tàn tật, bại liệt, lê lết, ngơ ngẩn sau vài thước nước ngoi từ lòng biển lên, sau 1 cơn lốc biển, 1 trận bão dông hay cú rồ máy của tàu chiến, loạt đạn nổ của lính Trung Quốc...

Hàng vạn phụ nữ, người già, trẻ em chịu nỗi đau mất mát, phải gồng lên, nhịn ăn - bớt mặc, chăm sóc từng ly từng tý cha - chồng - con gặp nạn ngoài biển Đông - Hoàng Sa.

Hàng trăm gia đình, cứ đến ngày là khói hương nghi ngút lan ra tận mộ gió nghĩa trang, nức nở gọi linh hồn những người bỏ xác trong lòng biển, ngoài đảo xa, mãi mãi không quay về bờ...

 Đau đớn vậy. Cùng cực vậy. Nhưng cứ phải sống, gắng sống - Mình hiểu khát vọng sống ấy của những người dân biển và tự hào rằng: Những gì các bạn mình, người thân mình, đồng nghiệp mình góp vào, thành chút tấm lòng cho "Chương trình Nghĩa tình Lý Sơn" (mà chúng mình gọi vui là Hành khất Lý Sơn) cũng là niềm động viên, an ủi cho những đồng bào - sinh ra lớn lên và kiên trung bám biển, đồng cảm nỗi niềm chia sẻ và học càng cần phải sống. Phải gắng sống, ở ngay đảo tiền tiêu Lý Sơn...

Trân trọng giới thiệu một số tấm hình ghi lại hoạt động của Chương trình "Nghĩa tình Lý Sơn", tại 3 xã (2 đảo) của huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), từ 29/6-02/7/2012. Tác giả: Mai Kỳ.
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Người đàn ông này ở xã An Hải, khi biết mình được trao xe lăn đã thoăn thoắt ra trụ sở xã, tự nhận xe

Đoàn Nghĩa tình Lý Sơn chia làm 2 nhóm, đến trao quà tại 2 xã trên đảo Lớn. Ảnh: Nhóm trao tại xã An Hải


Nhóm An Hải trao 2 xe lăn ngay tại Trụ sở UBND xã An Hải

2 thành viên nữ (Mai Hoa, Thu Hà) trao đổi nội dung công việc với lãnh đạo xã An Hải

TS. Nguyễn Hồng Kiên (thứ 2 từ trái qua) rà soát lại danh sách đối tượng, trước khi trao quà


Vợ con của các ngư dân, ngồi chờ đợi tại trụ sở UBND xã An Hải

Ngư dân và người thân

Tất cả ập trung tại Hội trường UBND xã An Hải


Có xe rồi nhưng không thể bỏ... nạng

Xe lăn: Ước mơ 17 năm nay của người ngư dân bị nạn ngoài Hoàng Sa

Mọi người đều vui

Hôm nay vợ được ngắm chồng

Nhà báo Đỗ Thu Hà (Báo Tuổi trẻ TP.HCM) thay mặt Đoàn, tặng 500 cuốn sách cho Phòng Đọc, Thư viện Lý Sơn

Lưu niệm tập thể, trong lúc trời mưa



Ngư dân Bùi Huê (Đảo Bé - An Bình) với chiếc xe lăn cũ kỹ, chó kéo nổi tiếng

Không thể không ngắm nhìn

2 TS-Giảng viên ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) trao xe lăn và phần quà của nhà trường cho Bùi Huệ

Lượn 1 vòng đảo Bé với xe lăn mới


Toàn bộ xe lăn, hàng hóa (sách vở - quần áo) được tập kết tại cảng An Vĩnh (Lý Sơn)

Gia cảnh 3 cháu mồ côi cha mẹ, đang sống với bà ngoại tại đảo Bé - An Bình

Nhà báo Thu Hà thay mặt Đoàn tặng số tiền 30 triệu VND (làm 3 sổ Tiết kiệm cho 3 cháu). Cháu Hà, con anh Trần Khoa Thuấn (ngoài cùng bên phải), thấy 3 anh chị vất vả, cũng tặng 1 triệu đồng tiền tiết kiệm của mình.

Có mới, không nới cũ (anh Nguyễn Văn Quang, đảo Bé - An Bình nhận xe lăn)

Xe lăn và phần quà cho dảo Bé - An Bình, do ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) đóng góp


3 nhận xét:

  1. Xin chia vui với nhân dân Lý Sơn và Đoàn "Nghĩa tình Lý Sơn". Cám ơn những thông tin tốt đẹp của Hải.

    Trả lờiXóa
  2. Không hiều số tiền chi cho băng rôn,khẩu hiệu,họp hành......cho phong trào " sống,chiến....theo gương.... " .Tiền chi cho Hạ long "bay" đón nhận " Ranh hiệu- kì Đà " vừa rồi,Tiền chi cho 3 cái Lễ và Hội vớ vẩn khác tốn hết bao nhiêu tỷ VND tiền thuế cũa dân,Chì 1 phần nhỏ số tiền đó mà qui thành hiện vật giúp bà con Lí sơn thì cao cả biết bao.Chưa nói đến anh " Thăng -tư Nệnh " trước mỗi chứ kí quyết định cái luật,văn bản nào đó,anhấy chỉ cần " động não " 1 chút thôi là khối bà con nghèo trên cả nước có thêm " tý rau-tý cháo " qua ngày,Giá như vị " Xếp-Nhớn " ngày nào hô hào,cỗ súy cho việc mua Chứng khoán,cũng trích tý ty lợi nhuận cho bà con thì " nhân văn " biết mấy

    Trả lờiXóa
  3. Một người dân Lý Sơn16:17:00 9 thg 7, 2012

    Cảm ơn những tấm lòng nhân ái dành cho ngư dân Lý Sơn. Những năm trước, tàu thuyền của người dân Lý Sơn tuy nhỏ, nhưng ra khơi đánh bắt hải thủy sản ít gặp nguy hiểm hơn bây giờ. Vì những năm ấy, họ chỉ gặp nguy hiểm do thiên tai của gió bảo. Nhưng với kinh nghiệm đi biển nhiều đời, họ có thể dễ dàng tránh gió bảo, về đến bờ an toàn. Nhưng giờ đây họ khó mà tránh được những tai nạn do những "kẻ lạ" mà quen kia gây ra. Đánh bắt ngoài Hoàng Sa mặc dù là đánh bắt hải sản trong vùng biển của tổ quốc nhưng soát xuất bị bắn, bị bắt, bị thu tàu và đóng tiền phạt từ những "kẻ lạ" là rất cao. Rồi đi biển Trường Sa cũng lại nguy hiểm. Từ Lý Sơn vào Trường Sa, tàu chạy liên tục phải mất ít nhất 5 ngày. Trong khoảng thời gian 5 ngày đi và 5 ngày về này, những tàu thuyền nhỏ bé của họ luôn phải đối diện với nguy cơ bị đánh chìm bởi những chiến tàu "hải giám" của những "kẻ lạ".Cái nhân họa này làm sao những ngư dân nhỏ bé giữa đại dương bao la kia có thể biết mà tránh được. Chỉ biết cầu mong sự bình an đến với họ. Chân thành cảm ơn những tấm lòng nhân ái của những con dân đất Việt.

    Trả lờiXóa