8 tháng 3, 2012

"VỊT TEO" LÊN... THỚT?.

Mạnh Quân - Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) lâu nay được biết tới như một mẫu hình doanh nghiệp Nhà nước kinh doanh khá hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc làm thị trường viễn thông Việt Nam (vốn trước đó chỉ biết đến 2 cái tên: Mobifone và Vinaphone) trở nên rất cạnh tranh, sôi động.

Viettel nằm trong số ít tập đoàn nhà nước hoạt động thực sự hiệu quả, có đóng góp ngân sách khá lớn, bảo toàn và phát triển được nguồn vốn chủ sở hữu Nhà nước.

Tuy nhiên, qua nhiều năm phát triển, trong tổ chức quản trị - kinh doanh của Tập đoàn này đã bộc lộ một số vấn đề.

Cuộc thanh tra về việc chấp hành chính sách, pháp luật tại Tập đoàn Viettel của Thanh tra Chính phủ (TTCP) mới đây cho thấy, nhiều chuyện khá bất ngờ, ít người biết về Tập đoàn.

Chưa nghiêm túc về nghĩa vụ tài chính…

Một điều khá rõ theo nội dung kết luận của TTCP là Tập đoàn Viettel chưa chấp hành tốt các quy định về chính sách, pháp luật về thuế hiện hành.

Kiểm tra tại Công ty mẹ-Tập đoàn Viettel, đoàn Thanh tra phát hiện năm 2008, Viettel chưa hạch toán doanh thu khuyến mại số tiền trên 533 tỷ đồng và còn kê khai thiếu trên 53,3 tỷ đồng tiền thuế giá giá trị gia tăng (GTGT) đầu ra về khuyến mại sản phẩm dịch vụ cho khách hàng, theo quy định tại thông tư số 32/2007/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Trong các năm 2009-2010, tuy không phải nộp thuế GTGT đầu ra nhưng Viettel không viết hóa đơn GTGT đối với dung lượng tặng khách hàng trong các đợt khuyến mại.

Cũng theo kết luận của TTCP, tại Tập đoàn Viettel và một số đơn vị thành viên đã để xảy ra nhiều sai phạm về tài chính khác. Như việc hỗ trợ vốn cho  Công ty Cổ phần Công trình Viettel số tiền trên 252,15 tỷ đồng.

Tập đoàn Viettel còn hỗ trợ Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Thương mại và xuất nhập khẩu Viettel 283,3 tỷ đồng, cho Công ty này vay ưu đãi 370 tỷ đồng khác.

Theo Thanh tra, việc cho vay ưu đãi này là không đúng với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 1997 và Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2004. Viettel là doanh nghiệp không có chức năng tín dụng và cũng không có thẩm quyền cấp tín dụng ưu đãi.

Ngoài các khoản trên, đáng chú ý, TTCP đã kiến nghị xử lý nhiều khoản tiền lớn khác như: Yêu cầu Viettel thu hồi về Công ty mẹ-Tập đoàn số tiền 7,7 tỷ đồng tiền lãi của Tổng Công ty Cổ phần Vinaconex (theo một thỏa thuận mua bán cổ phần giữa tổng công ty Cổ phần Vinaconex với Viettel năm 2009 mà TTCP xác định đó thực chất là một hợp đồng vay vốn mà Vinaconex phải trả tiền lãi vay nhưng Viettel chưa thu-PV); thu về trên 30,89 tỷ đồng khác nguồn thu cổ phần hóa tại 2 đơn vị và phải xem xét tính cả lãi tiền chậm nộp thu.

Tại một Công ty con của Viettel (Công ty TNHH Viettel-CHT), TTCP phát hiện Công ty này chưa hề đầu tư và hoạt động kinh doanh tại Khu Công nghệ cao, nhưng lại lê khai là đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư tại đây. Do đó, TTCP yêu cầu phải truy thu số tiền mà công ty này được hưởng ưu đãi sai quy định là  2,181 tỷ đồng.

Một khoản tiền rất lớn khác, Viettel được TTCP yêu cầu xử lý là phải nộp vào Quỹ viễn thông công ích Việt Nam số tiền lên tới trên 924,23 tỷ đồng; trong đó có trên 922 tỷ đồng năm 2010, Tập đoàn này đã hạch toán vào chi phí nhưng đến nay chưa nộp; trên 21,5 tỷ đồng phải nộp quỹ năm 2009; 2,18 tỷ đồng phải nộp tăng thêm do tăng doanh thu dịch vụ nhắn tin di động trả sau của 4 tháng đầu năm 2010.

Một khoản đáng chú ý khác được TTCP phát hiện là số tiền trên 307,19 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp do Viettel trích khấu hao tài sản cố định vượt so với mức khấu hao nhanh 2 lần.

Nếu theo đúng nguyên tắc, quy định thì số tiền này cũng phải truy thu lại Ngân sách nhà nước, nhưng Tập đoàn Viettel xin giữ lại để bổ sung vốn điều lệ và giải quyết vấn đề vốn trong việc thực hiện nghĩa vụ tái cấu trúc, tiếp quản EVN Telecom nên TTCP đã báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.

Sai phạm trong đầu tư, mua sắm

Là Tập đoàn có khối lượng dự án, công trình đầu tư, trang thiết bị mua sắm hàng năm rất lớn nhưng việc chấp hành các quy định, chính sách về đầu tư xây dựng cơ bản của Viettel cũng chưa nghiêm chỉnh.

Theo TTCP, Viettel đã phân chia các dự án nhóm A thành các dự án nhóm B,C có tính chất không đúng quy định theo các Nghị định số 16/2005/NĐ-CP và Nghị định số 112/2006/NĐ-CP của Chính phủ.

Tổng Giám đốc Viettel đã không thực hiện lấy ý kiến thẩm định của các cơ quan chức năng với các dự án nhóm A phải thẩm định theo quy định.

Viettel thậm chí còn không thành lập Ban Quản lý dự án để thay chủ đầu tư quản lý dự án, không đúng theo Nghị định 112/2006/NĐ-CP.

Một sai phạm khác là Viettel đã kê khai thiếu số tiền thuế nhà thầu nước ngoài là 13,45 tỷ đồng.

Theo TTCP, chính vì công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán chưa tốt nên quá trình thực hiện có 6 dự án tòa nhà Viettel ở các tỉnh phải phê duyệt, điều chỉnh lại tổng mức đầu tư; 6 dự án phải điều chỉnh phê duyệt lại tổng dự toán. Có 18 công trình, dự án bị chấm tiến độ. Có 6 dự án có nhiều sai sót trong quá trình nghiệm thu, thanh quyết toán

Nghiêm trọng nhất là vụ việc các nhà thầu tham gia gói thầu xây lắp Dự án Viettel Bắc Giang có hành vi mà TTCP cho là “dàn xếp, thông thầu” để Tổng Công ty Xây dựng Bạch Đằng trúng thầu, vi phạm Luật Đấu thầu.

Tổng Công ty này sau đó lại chuyển nhượng cho Công ty Cổ phần Quang Minh thực hiện, ăn chênh lệch 235 triệu đồng, sai quy định.
Vụ việc này, TTCP đã yêu cầu Tập đoàn Viettel phải xử lý, có văn bản báo cáo Bộ Kế hoạch và đầu tư theo dõi, xử lý theo quy định pháp luật.


Phóng tay khuyến mãi…

Đáng chú ý, theo kết luận của TTCP, Tập đoàn Viettel đã có nhiều vi phạm quy định về giá, cước viễn thông.

Cụ thể, năm 2009, Tập đoàn này thực hiện 16 đợt khuyến mại, giảm giá thuê bao do động trả trước hòa mạng mới, có tổng thời gian thực hiện chương trình khuyến mại là 351 ngày, vượt 261 ngày so với quy định tại nghị định 37/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định cụ thể về xúc tiến thương mại; có 13 đợt khuyến mại giảm giá vượt 50% trước thời điểm khuyến mại, sai với Nghị định trên.

Trong năm 2010, Viettel cũng có một đợt khuyến mại giảm giá cho thuê bao di động trả trước hòa mạng mới kéo dài 151 ngày, vượt 106 ngày so với quy định. Ngoài ra, việc Viettel khuyến mại miễn cước thuê bao dịch vụ Homephone trong vòng 24 tháng trên toàn quốc cũng vi phạm Quyết định số 55/2008/QĐ-BTTTT ban hành năm 2008 của Bộ Thông tin truyền thông.

Trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài: Campuchia, Lào, Haiti... Viettel cũng để xảy ra nhiều sai phạm. Cụ thể, tại Dự án đầu tư mạng viễn thông tại Campuchia, TTCP phát hiện năm 2008, Viettel chuyển nhượng vốn cho Công ty Cổ phần đầu tư quốc tế Viettel (VTG) có phát sinh doanh thu do chênh lệch tỷ giá số tiền trên 29,54 tỷ đồng nhưng không hạch toán. Đến năm 2010, Viettel mới hạch toán vào doanh thu dẫn tới giảm số thuế thu nhập phải nộp 699 triệu đồng (do chênh lệch thuế suất). Trong việc đầu tư mạng viễn thông tại Lào, do xác định sai tỷ giá, công ty CTG đã hạch toán thiếu thu nhập của khoán vốn đầu tư sang Lào trên 7,83 tỷ đồng…

10 nhận xét:

  1. Nhiều nhà mạng nghĩ mình đông khách rồi hay sao mà xem thường khác hàng. Chẳng hạn như Viettel: tôi dùng gói cước Dcom laptop, dung lượng miễn phí ban đầu là 7Gh, sau này tăng lên 9Gh,giờ thì giảm còn 6Gh. Mà không hề thông báo cho khách hàng hay biết, tờ thông bao cước hàng tháng thì chỉ có in tờ tổng tiền, còn không có liệt kê cuộc gọi.

    Trả lờiXóa
  2. Dù thế nào, thì Vịt teo cũng là công cụ đắc lực cho a vô mạng, up bài khi ngồi trên ô tô, hay ở những nơi xa xôi, nhờ bạn 3G,

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bực tức các nhà mạng nhưng vẫn không thể bỏ được các nhà mạng.

      Xóa
  3. vô duyên nhất là lấy cái cớ thực hành tiết kiệm để không cung cấp liệt kê cuộc gọi. Xem lại hợp đồng thì nghĩa vụ của Vịt là "Cung cấp danh sách cuộc gọi..." > vậy là kiện đc chưa nhỉ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. nói thật mình chẳng thích thằng viettel lắm.nhưng cũng không vì vậy mà vùi dập chúng.viettel lấy cái mác quân đội đi xe biển số đỏ nên chạy nhanh vượt ẩu nhất là mấy cái xe thùng giống như xe chở tù nhân qua trạm thu phí thì không đóng lệ phí....còn rất nhiều chuyện nữa.
      hợp đồng thì ký 1năm nhưng không thấy đóng bảo hiểm cho người làm việc.

      Xóa
  4. chung quy là đặc quyền đặc lợi sinh ra thôi. Mà Thủ Tướng đang kêu gọi chống độc quyền đấy.

    Trả lờiXóa
  5. VIETTEL CÓ NHIỀU TRÒ ĐỂU.
    VÍ DỤ:
    1. KHÔNG TÍNH CƯỚC DD, CĐ CHO RẤT NHIỀU VIP TỪ ĐỊA PHƯƠNG ĐẾN TW, KỂ CẢ CỘNG TÁC VIÊN CỦA VIETTEL ... -> HỐI LỘ, THẤT THOÁT, TRỐN THUẾ.
    2. KHÔNG IN CHI TIẾT HÓA ĐƠN VAT MÀ CHỈ ĐIỀN NỘI DUNG VÀO THEO YÊU CẦU CỦA KHÁCH HÀNG KHI THU ĐƯỢC CƯỚC. -> TẠO ĐIỀU KIỆN CHO VIỆC GIAN LẬN HOÀN THUẾ VAT.
    => CẠNH TRANH KHÔNG LÀNH MẠNH, VI PHẠM PHÁP LUẬT.
    KHÔNG KHÓ KIỂM CHỨNG 2 VD TRÊN. CHỈ CẦN XEM HĐ SỬ DỤNG DV DD TRẢ SAU CỦA CÁC VIP VÀ NGƯỜI NHÀ THÌ BIẾT.

    Trả lờiXóa
  6. Tôi nghĩ mấy ông Tổng công ty, Tập đoàn Nhà nước nào cũng có sai phạm hết. Cái quan trọng là tạo cơ chế tự giám sát thường xuyên thôi. Chứ để đến nhăm ba năm mới lập 1 đoàn thanh tra thì cái sai phạm nó lớn quá rồi, sờ đến ông Vinashin thì đã coi như phá sản, sờ đến ông EVN thì ông Telecom die,... Cổ phần hóa, tư nhân hóa sẽ tạo cơ chế đó tốt nhất.

    Trả lờiXóa
  7. Việc nộp ngân sách, ngân seo là chuyện của "Viteo" với chính phủ. Còn với nhân dân (người dùng điện thoại) thì cứ giá rẻ, khuyến mãi triền miên và chất lượng cuộc gọi tốt là . . . sướng rồi! Mong sao năm 2012 "Viteo" tổ chức khuyến mãi, tặng tiền cho thuê bao suốt cả năm thì thật là tuyệt!

    Trả lờiXóa
  8. Quân đội làm kinh doanh, thế giới đã bỏ lâu rồi. Kinh doanh mà mang biển số đỏ, hở ra là bí mật quốc phòng, chỉ Viêt nam là thế

    Trả lờiXóa