9 tháng 3, 2012

MÈN MÉN THAY CƠM, Ở ĐỊA ĐẦU LŨNG CÚ

Mai Thanh Hải - Trường THCS Lũng Cú (Đồng Văn, Hà Giang) nằm tít tắp ở địa đầu Lũng Cú, giữa đỉnh núi toàn đá xám xịt và ù ù gió thổi, gần với Cột cờ, chỉ cách đường biên vài trăm mét.

Lên đến Lũng Cú, điểm đầu tiên mình phi vào "thực tế" là nơi ăn ở của bọn trẻ trong Trường. Thói quen này, hình như đã ăn sâu trong đầu, từ hồi tham gia cái "Cơm có thịt" của bác Trần Đăng Tuấn.

Gọi là Trường chính, trọng điểm của cả xã rộng 3.460 ha với 9 thôn, bản tên cứ như ở... trên giời (Lô Lô Chải, Xéo Lủng, Tả Giá Khâu, Cẳn Tằng, Thèn Ván, Thèn Pả, Sì Mần Khan, Sán Chồ, Sán Sà Phìn) - nơi sinh sống của người Mông, Lô Lô, Tày, Pu Péo và có hơn 16km đường biên giới với Ma Li Pho (Vân Nam, Trung Quốc), nhưng cái gọi là "cơ sở vật chất của Trường" chỉ chơ vơ 3 dãy nhà, trong đó may mắn - sang trọng nhất xã là dãy nhà xây 2 tầng, làm lớp học cho con trẻ.

Bếp nấu và nhà ăn của học sinh ở phía sau dãy nhà 2 tầng.

Khi mình cẩn thận đặt gót chân bước qua khoảng sân trơn như mỡ bởi mưa phùn vào, cả bếp và nhà ăn trống hoác, không thấy bất cứ thứ gì có dấu hiệu là "chuẩn bị bữa ăn trưa" cho bọn trẻ con đang ê a hụt hơi trên lớp, dù lúc đó đã gần 11 giờ trưa.

Thứ duy nhất để mình... lờ mờ đoán là cô gái người Mông lòe xòe cái khăn đỏ chót trên đầu, xắn tay áo, mặt gí sát vào bếp củi góc bếp, phù phù thổi cho chút lửa tàn gắng gượng liếm sát cái nồi đen xỉn, vẹo vọ chả thấy đâu là quai xách.

Mạnh dạn hỏi: "Đến giờ ăn mà không nấu cơm cho các cháu à?". Cô bé tròn xoe mắt nhìn mình như thể nhìn sinh vật lạ: "Nấu rồi mà!" và chỉ vào cái nồi gang to nhem nhuốc như đang chúi mũi, xấu hổ giấu mình dưới gầm bàn gỗ cũ kỹ.

Tò mò mở nồi: "Ớ! Sao lại là mèn mén?". Cô bé nguẩy mông: "Có gạo đâu mà không ăn mèn mén? Từ mấy tháng nay rồi đấy!" rồi chỉ bó rau cải cỡ chít tay, giảng giải: "Nước đang đun sôi, lát thả rau vào là thành canh thôi. Thức ăn thì còn cá kho, từ hôm qua, để dưới gầm bàn kia kìa!" .

Hùng đi cùng mình, nhanh nhẹn mở nồi cá kho và lắc đầu: "Cá nhi đồng, toàn những xương là xương!". Mở tiếp nồi mèn mén, xúc miếng nhỏ đưa lên miệng. Nghẹn cả cổ, suýt sặc vì bột ngô. Cô bé nhà bếp cười rung cả khăn trên đầu: "Ối cái cán bộ!. Mùa này ngô mới còn thơm đấy. Những lúc khác, còn chả thấy mùi gì!".

Giàng ơi!. Nói đến mèn mén là mình nhớ đến hồi bao cấp, phải ăn ngô bung, đại mạch ninh và bột mì viện trợ để sống. Mèn mén cũng là thứ ăn lừa bụng như những thứ mình phải nhá, để gắng sống hồi ngày xưa ấy.
Mèn mèn được làm từ hạt ngô tẻ. Việc chuẩn bị làm mèn mén đòi hỏi tốn nhiều thời gian để thực hiện với các công đoạn: Bóc vỏ, tách hạt ra khỏi lõi ngô, xay hạt ngô thành bột và sàng bỏ bớt vỏ (mày ngô). Sau đó, cho bột ngô vào chõ, đặt trong chảo nước để đồ. Để thành món mèn mén người ta phải đồ 2-3 lần. Đồ lần đầu để tẩm nước vào bột ngô và cũng để bột ngô tơi, không dính vào nhau.
Thời gian đồ lần đầu phải tính toán cho thích hợp với từng loại ngô (non hay già). Nếu bột ngô già thì thời gian đồ lâu hơn. Khi bắc chõ ra khỏi chảo thì đổ bột ngô ra mẹt, dùng thìa gỗ đảo kỹ cho bột ngô tơi ra. Nếu không làm cho bột ngô tơi thì đồ lần sau bột ngô sẽ không chín kỹ, ăn sẽ bị đau bụng. Sau khi làm tơi và để nguội, lại cho ngô vào chõ đồ lần 2 và lần này, phải đồ cho chín thật kỹ. Khi ăn mèn mén, phải thường dùng muôi gỗ để xúc ra bát. Ăn mèn mén bao giờ bà con cũng kèm thêm một nước bát canh, để đỡ... sặc, nghẹn. Nhà nào dư dả, có thêm ít thịt mỡ ăn cùng, để... trơn đường nuốt nơi cổ, là chính.
Ngồi nói chuyện với cô Hiệu trưởng Phạm Thị Tuyển. Cô giáo Tuyển sinh năm 1980, nay 32 tuổi là vợ của Nguyễn Hữu Nam, Cán bộ Đồn 169 Biên phòng Lũng Cú nhưng đang đóng quân trong Trạm chốt tít tịt đỉnh Mã Lủng Kha.

Vợ chồng Nam Tuyển có 2 nhóc, đứa con trai đầu 6 tuổi phải gửi về ông bà nội ở Ba Vì (Hà Tây xưa, Hà Nội nay) nuôi nấng, dạy dỗ, bé gái sau mới hơn 1 năm tuổi, suốt ngày làm... ba lô trên lưng mẹ, bởi chồng đóng quân xa, 2-3 tuần mới tranh thủ về thăm vợ con 1-2 ngày.

Tuyển kể: Năm học 2011-2012, Trường THCS Lũng Cú có 8 lớp với tròn 195 học sinh.

Trong số này, có 103 học sinh được hưởng chế độ theo Quyết định 85/2010/QĐ-TTg (21/12/2010) của Thủ tướng Chính phủ, với mức hỗ trợ mỗi tháng đối với học sinh bằng 40% mức lương tối thiểu chung, trong thời gian 9 tháng (9/2011-5/2012). Số học sinh này ăn tại trường.

Số học sinh được hưởng chế độ theo Nghị quyết số 22/2011/NQ-HĐND (15/7/2011) của HĐND tỉnh Hà Giang là 45 em (hỗ trợ học sinh con hộ nghèo, không ở bán trú được hưởng 0,1 mức lương tối thiểu chung trong thời gian từ 9/2011-5/2012).

Số không được hưởng chế độ của Chính phủ, UBND tỉnh, dĩ nhiên phải ăn cơm nhà hoặc... nhịn đói.

Khoản tiền hỗ trợ này do nhà trường quản lý và căn cứ vào số học sinh ăn thực tế từng ngày, từng bữa để mua thực phẩm. Ngoài ra, cũng phải trích một phần kinh phí (khoảng 30.000 đồng/học sinh/tháng để mua bổ sung nồi niêu bát thìa, khăn mặt, kem đánh răng, dầu gội, xà phòng tắm giặt... tức là đủ thứ bà rằn, phục vụ nhu cầu tối thiểu của số học sinh sinh hoạt, ăn ở tại trường.

Nói trên giấy tờ, khi làm việc với cấp trên - ngành liên quan là vậy. Nhưng trên thực tế, việc nhận được tiền Nhà nước nuôi trẻ con cũng trần ai ghê gớm. Tình trạng triền miên là... chậm cấp tiền, có khi đến vài tháng mới được lĩnh, trong khi học sinh không thể nhịn đói vài tháng, nên giáo viên cuống quýt như gà mắc tóc.

Giáo viên đã nghèo thì chớ, dạy ở vùng núi đá nghèo đến cùng cực Lũng Cú, nên chẳng ai có tiền để ứng trước, các cô đành phải đặt vấn đề... mua chịu đồ ăn - thực phẩm. Mà phàm đã yếu thế, được người ta đồng ý cho nợ nần, thì cái chuyện phải nhận đồng đồ đông lạnh là bình thường (thịt lợn tươi ít khi họ bán chịu) với giá cả cũng đắt hơn bình thường: 120.000đ/kg thịt ba chỉ.

Đối với miền xuôi, khái niệm "Nội trú dân nuôi" có thể xa lạ, nhưng với vùng cao miền núi thì quá là quen thuộc. Trường THCS Lũng Cú cũng thuộc mô hình "phụ huynh góp lương thực nuôi con em học nội trú", thuận cái là Hội đồng nhân dân xã còn ra Nghị quyết để nhân dân trong xã đóng góp lương thực theo mức: Hộ gia đình có con đi học đóng 30kg ngô hạt/năm; hộ không có con đi học cũng phải đóng 25kg ngô hạt/năm

Nghe đến đây, mấy bạn mình ngơ ngác: "Sao không đóng gạo?". Ối Giời!. Trên cái vùng Lũng Cú toàn đá là đá này, kiếm được hốc đất trồng trọt, có khi uýnh nhau đến vỡ đầu nên thóc gạo là thứ... xa xỉ, bao đời nay đồng bào chỉ toàn trồng ngô, lấy đó làm nguồn lương thực chủ yếu và số hộ gia đình đóng góp bằng thóc, chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Đóng gì ăn nấy nên bữa ăn chính, chủ yếu của học sinh dân nuôi là mèn mén cũng là điều hiển nhiên. Cả năm, chỉ dịp giáp Tết, khi Nhà nước cứu trợ gạo hoặc có các cơ quan, tổ chức tài trợ đến thăm và hỗ trợ, thì khẩu phần ăn mới được chuyển từ mèn mén sang cơm, trong ít ngày.

Mình hỏi chuyện nấy ăn, em Tuyển kể: Theo Nghị quyết của HĐND tỉnh,Trường được thuê 3 người nấu cơm phục vụ học sinh với thù lao là 1,0 mức lương tối thiểu chung trong 9 tháng của năm học, do tỉnh trả.

Có  lương thực, có người phục vụ đấy, nhưng việc nấu ăn cũng chẳng hề đơn giản, với lý do rất đơn giản: Không có chất đốt.

Trước tới nay, nhà trường quy định: Mỗi tuần, 1 học sinh nộp 1 bó củi. Nhưng từ đầu năm học tới nay, việc nộp củi của học sinh rất thất thường, không đủ để đun nấu. Hỏi ra, học sinh mới rụt rè: Nhà không có rừng, chặt mãi trên núi, cây con cũng hết. Những gia đình nào có tý cây cối, cũng phải dè sẻn đun nấu trong nhà...

Có lý quá chứ! Hà Giang toàn núi đá, kiếm đâu ra rừng?. Chỗ nào có vài cây lưa thưa, cũng bị... tiêu diệt bởi phong trào phá rừng, trên toàn quốc chứ chẳng chỉ Hà Giang.

Lẩn mẩn nói chuyện với các thầy cô, mình cứ rưng rưng khi biết chuyện: Học sinh không có củi nộp, các thầy cô bàn nhau trích lương 15.000 đồng/tháng/giáo viên để mua củi cho học sinh. Dẫu số tiền trên cũng chả đáp ứng nhu cầu đun nấu, vì trên Lũng Cú, giá 1 bó củi (trong thùng nhựa đựng sơn) lên đến 45.000 đồng, nhưng với đồng lương ít ỏi trên miền đá khó khăn, cái gì cũng đắt gần gấp đôi miền xuôi, thì mỗi đồng của thầy cô đóng góp cho học sinh, quý biết bao nhiêu?..

Nói chuyện nấu ăn cho học sinh nội trú, cô Hiệu trưởng Tuyển thẫn thờ: Nhà trường đã có  ý kiến với UBND xã và huyện về việc hỗ trợ chất đốt (than hoặc gas...) nhưng vẫn chưa có kết quả.

Ngay việc trích một phần kinh phí từ tiền ăn của học sinh để mua đồ dùng nấu bếp, cũng chỉ là biện pháp "giật gấu vá vai" và còn thiếu thốn rất nhiều.

Hồi trước, Ban Giám hiệu Nhà trường đã lọ mọ, kiên nhẫn xin mãi mới được UBND xã cấp cho 1 tủ lạnh để bảo quản thực phẩm, nhưng do hệ thống điện của nhà trường không đảm bảo, nên tủ lạnh chỉ dùng được 3 tháng rồi... cũng nằm một xó.

Các giáo viên bảo: Muốn mua được 1 cái chạn inoc 3 tầng, để đựng bát thìa âu nồi cho gọn gàng, vệ sinh nhưng nhưng nghĩ đến việc khẩu phần ăn ít ỏi của các em bị giảm bớt thêm nữa, lại không đành lòng, nên mấy năm rồi bếp ăn vẫn không có chạn bát.

Mà chẳng cứ gì chạn bát, ngay vật dụng nhà bếp để phục việc nấu của học sinh, hiện cũng đang ở mức tối thiểu.

Hỏi chuyện học hành trẻ nhỏ, đến lượt mình thẫn thờ. Chả là có 2 học sinh nữ rất chăm ngoan, học giỏi, đó là Thò Thị Mỷ (dân tộc Mông, học lớp 7A) và Sình Thị Đêm (dân tộc Lô Lô, học lớp 9A). Hôm đầu năm học, cả 2 đứa dắt díu nhau lên gặp Hiệu trưởng, cắn chặt môi không dám nấc to, chỉ nước mắt chảy đầm đìa, xin được nghỉ học vì nhà quá nghèo.
Lò Thị Mỷ, HS lớp 7A

Vẫn biết trường hợp của học sinh rất khó khăn (em Sình Thị Đêm bị mồ côi cả cha lẫn mẹ, đang phải ở với anh trai), gia đình thuộc dạng cực nghèo, 2 em tuy ít tuổi nhưng lại là lao động chính trong gia đình... nhưng những thầy cô vẫn không ngờ tới việc các em buộc phải xin nghỉ.

Trò chuyện, tìm hiểu và biết 2 em vẫn rất muốn học tiếp, tập thể giáo viên quyên góp một khoản tiền đến gia đình hỗ trợ, động viên để các em học tiếp. Hiện tại, Mỷ và Đêm là 2 học sinh được "đặc cách": Hết giờ học, được về nhà lao động giúp gia đình...

Rời Lũng Cú về lại Hà Nội, mình cứ ngẩn ngơ với hình ảnh mấy chục đứa trẻ, đã gắng gượng học đến THCS ngồi im lặng trong nhà bếp ẩm thấp, nhai mèn mén bữa trưa trong những tiếng ho nghẹn sù sụ, khô cổ quá thì chan muôi canh cải, đựng trong những chiếc thau tận dụng; càng ngẩn ngơ hơn khi nhớ lại lúc đứng ở sân trường, nhìn lên cột cờ Lũng Cú đang phần phật tung bay, đối diện bên kia là trạm quan sát của phía Trung Quốc, gắn đủ loại ống nhòm - kính viễn vọng chòng chọc nhìn sang và nhớ đến câu của bác Trần Đăng Tuấn: "Nơi phên dậu biên cương, kẻ lạ nhòm sang, không thể để trẻ con thiếu bát cơm no, thiếu manh áo ấm"...

Và mình ngồi mình viết, có thể mọi người đọc xong sẽ thấy dài dằng dặc như 1 bài báo (điều mà mình rất kị, khi viết Blog).
Sình Thị Đêm, HS lớp 9A

Thế nhưng mình phải viết, viết cho hết để kể với mọi người về những cuộc sống thực, vất vả, nhọc nhằn đứa trẻ sống nơi phên dậu biên cương, lớn lên chút nữa sẽ là những thanh niên nam nữ, trực tiếp bảo vệ đất đai bờ cõi Tổ quốc.

Viết để mong mọi người lên với các em, chung tay giúp đỡ các em, ít nhất là miếng cơm, đôi đũa, chiếc bát, tủ ăn, bếp nấu... để các em no cái bụng, vững đôi chân.

Nhà nước cũng đã làm, thầy cô cũng đã làm và phụ huynh cũng cùng đóng góp, cho các em đếm đong từng con chữ. Nhưng nếu có thêm những bàn tay chung sức giúp ngay lúc này, chắc lần sau lên Đồng Văn, vào Trường THCS Lũng Cú, mình sẽ không phải cúi mặt, đi như chạy trốn khỏi gian nhà bếp, ở chính nơi địa đầu phên dậu biên cương...
----------------------------------------------------------------------------------------------------------
6 HS chung 1 nồi mèn mén

1 tô canh cho 6 học sinh

Không phải tô đâu, chậu nhựa nhiều tác dụng đấy

Thực phẩm chính của học sinh trong bếp ăn: Gói muối

Các con gái ăn rất gọn gàng: Mèn mén, canh và thịt nấu nhừ, để ra hết mỡ, chan vào nuốt cho trơn cổ

Ăn nhanh kẻo nguội, mèn mén rời ra như cám

Thịt và nước thịt, dĩ nhiên hết nhẵn

Nồi niêu xoong chảo

Từ bếp ăn nhìn ra nhà ăn

Tiết kiệm từng đoạn củi nhỏ

Phòng ở của HS nam

Ăn xong, con gái phải rửa bát rồi

Rất cẩn thận và sạch sẽ - Con gái người Mông mà

Mình thử 1 miếng

Thức ăn dự trữ của các con đây

22 nhận xét:

  1. Bác Hải ơi, tuy món đó không ngon bằng cơm trắng nhưng bắp thì bổ dưỡng hơn gạo nhiều bác ạ ! Có khi sau này các cháu lớn lên phát triển tốt về thể chất, mong rằng như vậy. Tuy vậy vẫn cứ thấy...nghèn nghẹn!! Mấy bài viết hôm nay của bác xúc động quá! Chúc bác khỏe!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. bác này làm em nhớ đến ông gì bảo ngừoi rục quen ăn sắn.vì sắn bổ hơn gạo trắng... Anh Hải bày cho các cháu rưới mỡ nước lên cho dễ ăn. có thêm lá hành tăm thì cang tốt.ngày trước nhà em ăn cám ngô quanh năm mà...

      Xóa
  2. Sự thật đắng lòng quá, xót xa quá, "phàm phu tục tử" như mình mà đọc xong cứ thấy nghèn nghẹn trong ngực. Dân mình còn nhiều người đói khổ quá, khâm phục những người dân ở đó quá, dù đói nghèo nhưng họ vẫn cứ cam chịu, bám trụ quê hương. Nếu họ không chịu đựng như vậy mà bồng bế con cái, dắt díu nhau về xuôi, về thành thị hết thì ai ở lại xây dựng phên dậu đây? Hình như những thành quả của "đổi mới", "tăng trưởng một hai con số", "nước xuất khẩu gạo thứ 3 thế giới" v.v. và v.v. không đến được những nơi này. Mặc dù rất ngưỡng mộ bác Trần Đăng Tuấn, bác Mai Thanh Hải và các bạn trẻ trong chương trình cơm có thịt, nhưng cũng thấy thương cảm các bác quá, vấn đề lớn như vầy mà sức các bác cũng có hạn, phải cáng đáng như vậy liệu có quá sức, có đơn độc không? Có cách nào mở rộng mô hình cơm có thịt, để cho dân ta rách lành đùm bọc nhau mà sống, để không chỉ có 1 bác Tuấn, 1 bác Hải mà phải có trăm ngàn người tốt như vậy thì mới giải quyết được vấn đề. BỨC XÚC QUÁ.

    Trả lờiXóa
  3. Đọc những bài viết của MTH về các cháu vùng cao còn nhiều thiếu thốn và khó khăn, bỗng chợt nhớ đến cái đám cưới của con nữ đại gia Hà Tĩnh thật muốn buông lời chửi thề quá. Cứ cho rằng bố mẹ cô dâu chú rễ giàu có và muốn khoe của, hợm hĩnh nhưng còn cô dâu- chú rễ nữa chứ, hai đứa đều là dân có học ( du học sinh ở Sing), sao chấp nhận đám cưới kệch cỡm như vậy? Giá như tiền chi cho đám cưới dùng để mua chăn, mua thịt cho các cháu thì hay biết bao? Viết đến đây lại nhớ đến con gái nhà văn Phạm Ngọc Tiến, . . .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nếu chiến tranh với Tầu khựa bên biên giới Lũng Cú và những nơi khác sắp tới xảy ra thì các đại gia VIệt Nam đi đâu hết nhỉ? Có dám hiến hết của cải như Bạch Thái Bưởi...năm nào hay không? Hay bà con người Mông ăn mèn mén như thế này mà "Giành cống giành cống tủa giành cống. THoàng trề thoàng trề tủa thoàng trề" (Đoàn kết đoàn kết đại đoàn kết. Thành công thành công đại thành công) như chiến tranh biên giới 1979?

      Xóa
  4. ƯỚC MƠ NÀO THEO CON CHỮ VỀ XUÔI?
    ƯỚC MƠ NÀO THEO CHÂN VỀ VỚI BẢN?
    Tôi không nhớ đó là hai câu thơ của ai nhưng tôi rất thích và thường "Tự sướng" mỗi khi "chùn chân mỏi gối".
    CHÚC ANH CHÂN CƯNG ĐÁ MỀM TRÊN CON ĐƯỜNG ANH ĐÃ CHỌN.

    Trả lờiXóa
  5. Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo thứ 3 thế giới cơ mà-Bó tay

    Trả lờiXóa
  6. Đinh Kim Phúc10:48:00 2 thg 3, 2012

    Bác Hải nên mời bác Doan đóng góp tí tiền là các cháu có thịt ăn.

    Trả lờiXóa
  7. Chẳng còn biết nói gì, làm được chút nào làm thôi bác ạ.

    Trả lờiXóa
  8. that la cam dong, cam on bac MTH va TDT

    Trả lờiXóa
  9. Hải ơi, mèn mén có ngon bằng bo bo của những năm cuối thập kỷ 70 thế kỷ trước không?. hạt bo bo luộc, rắc muối nhai sái cả hàm nhưng mà nên thơ lắm "Mình về mình có nhớ ta. Ta về ta ngán bo bo của mình"

    Trả lờiXóa
  10. thầy giáo vùng cao15:28:00 2 thg 3, 2012

    Tôi chắc chắn rằng không có nhiều người biết rằng chỉ cần 2000đ thôi, 2 nghìn chưa đủ tiền cho một ly trà đá trong thời buổi bão giá này là các em học sinh ở vùng cao có được 2 bữa thịt/tuần trong bữa ăn của mình.

    Trả lờiXóa
  11. "...Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà..."
    Đất nước, lịch sử sẽ đến lúc ghi nhận công lao của anh và những nhà văn, nhà báo ... như anh.
    Đọc, xem hình mà chạnh lòng; thấy mình hèn quá.
    Không biết các ông vua ở trên nghĩ gì.

    Trả lờiXóa
  12. Tuấn anh (Thanh Hóa)16:34:00 3 thg 3, 2012

    Cuộc sống của đồng bào và các em học sinh vùng cao còn rất nghèo khổ và đang gặp rất nhiều khó khăn. Chính bản thân tôi cũng đã từng chứng kiến và trải nghiệm cuộc sống khổ cực, vất vả của bà con và những đứa trẻ vùng núi cao thuộc xã Lũng Cú huyện Đồng Văn tỉnh Hà giang.

    Trả lờiXóa
  13. Làm gì bây giờ? Khổ thân các cháu quá...

    Trả lờiXóa
  14. Bác Hải ơi! Bác đã ghi lại được những hình ảnh thể hiện rõ cái hiện thực cuộc sống của những em học sinh vùng cao Hà Giang. Ngoài bác ra liệu có ai chợt nhận ra ở đâu đó, trên những sườn núi cao ngất, nơi nhiệt độ có lúc xuống mức âm, nơi có những em nhỏ đang co ro trong manh áo lạnh, đang gồng mình chống chọi với cái đói, cái rét chăng? “Bữa cơm có thịt” nghe chừng đơn giản đối với những người thành phố, sao với các em bé vùng cao lại khó khăn và hiếm hoi đến thế.

    Trả lờiXóa
  15. Là nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 trên thế giới trong khi đó dân mình không có gạo để mà ăn? Các nhà hoạch định chính sách chắc chỉ ngồi một chỗ rồi gúc gù chấm tiên lãng chứ chả ai hơi đâu mà leo lên tận miền sơn cước như bác Hải.

    Trả lờiXóa
  16. 10% của 25 tỷ cái dám cưới nào đó thì các cháu chắc là có gạo ăn trong máy năm nhỉ?

    Trả lờiXóa
  17. He! He! "Điểm tựa" Lại được húp "bát canh "toàn quốc""
    Cảm ơn Nhà báo Mai Canh Cải Cho húp bát Canh Cải!

    Trả lờiXóa
  18. Nhà thơ Tố Hữu có tài tiên tri không kém cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm khi nhà thơ viết trong bài Việt Bắc cách đây gần 60 năm:...."Mình về thành thị xa xôi/Nhà cao còn nhớ núi đồi nữa chăng/Phố đông còn nhớ bản làng/Sáng đèn còn nhớ mảnh trăng giữa rừng/Mình đi ta hỏi thăm chừng/ Bao giờ Việt Bắc tưng bừng vui lên..." những câu hỏi này không biết bao giờ mới trả lời được???

    Trả lờiXóa
  19. con nhà giàu ngúng nguẩy bỏ bữa, bố mẹ nịnh bã bọt mép mới ăn cho đc nửa bát cơm toàn cao lương mỹ vị, trong khi 1 bát cơm trắng thôi, cũng là niềm mơ ước của các em nhỏ vùng cao. xót xa quá!!!!!!!!!!!!!

    Trả lờiXóa