8 tháng 1, 2012

ĐẾN GIỜ VẪN CHẢ THAY ĐỔI ĐƯỢC PHẬN NGHÈO

Hàng lên Pa Cheo
Nhà văn Thùy Linh - Lại thêm một chuyến lên với các lớp học trên đỉnh núi. Những lớp học vời vợi xa xôi, cách trở.

Đôi lúc mình lẩm cẩm tự hỏi: Ở nơi rừng xanh núi đỏ vắng lặng, cách xa với thế giới văn minh như thế này thì dạy và học làm gì nhỉ? Liệu có thay đổi được những kiếp nghèo nơi đây không?.

Liệu con chữ gieo xuống có gặt được ấm no, hạnh phúc không? Vì chữ nghĩa ở nước ta đâu có thiếu, bằng cấp nhiều như lá thu rơi, đường lối cũng lắm mà sao vẫn chỉ là nước đang phát triển? Không lẽ cứ tà tà ở đường băng và không thể cất cánh bay vào bầu trời thế giới?.

Trẻ con ở thành phố học quần quật, sinh viên du học khắp nơi, quan chức bằng cấp lắm mà đất nước vẫn chỉ ở dạng tiềm năng thôi sao? Dạy học gì, trẻ học gì khi bốn bề là núi, rừng, khổ, đói?.

Bảo học để thoát nghèo. Ừ!. Chả sai. Nhưng bụng đói học sao nổi? Không học nghèo đói hoàn nghèo đói, người ta bảo thế. Không lẽ là lỗi của họ vì không chịu học?..
Đường xuống điểm trường Hán Nắng

Lớp mẫu giáo cắm bản ở Xéo Pa Cheo (Pa Cheo, Bát Xát, Lào Cai) cách đường quốc lộ chừng 8km. Bản ở tít trên núi cao, chìm trong mây mù đặc như sữa. Con đường vào bản toàn đá lổn nhổn, trơn khủng khiếp vì mấy hôm đó trời mưa. Mà không mưa thì cũng “quá mù ra mưa”…

Trai Mông đi xe máy giỏi cực. Các tổ lái ở Hà Nội chả là gì với các anh Mông này. Trình chắc ngang ngửa với tay đua công thức 1 chứ không bỡn. Nếu có cuộc đua xe máy thì nên tuyển các trai Mông.

Lúc vào bản lên dốc, người mình chỉ chực rớt tuột khỏi xe. Còn lúc rời bản xuống núi, người mình đổ dồn về phía trước. Cả mấy chục cân thịt hơi của mình dồn hết sức nặng vào người lái. Vậy mà tay lái lụa vẫn mượt mà vãi.

Xe lao phăm phăm làm mình lắm lúc thon thót. Một bên là vực thẳm lèn chặt mây mù. Mình hơi hốt khi nghĩ đến cảnh chả may lốp xe không ăn đường là tổ lái của mình bay như chim xuống vực.

Cô giáo nhờ là các trai Mông nhịêt tình đưa đón khách bằng xe máy ngay. Thấy áy náy nên đưa chút tiền để đổ xăng còn nhất định không nhận.
Phòng ở kiêm chỗ nấu ăn, sinh hoạt của 2 cô giáo Mầm non Hán Nắng

Nói mãi mới rụt rè: “mình xin nhé” với vẻ mặt không có gì quị lụy, hân hoan. Rất thích cách xưng hô của người Mông, mình thế này, mình thế kia…Giản dị, gần gũi, bình đẳng và thân tình.

Vào tới lớp, có 24 đứa trẻ từ 3 đến 5 tuổi ngồi ngoan đợi khách. Cô giáo nhắc chào khách là chúng đứng lên khoanh tay, ríu ran như chim.

Những mái tóc rối chắc chưa một lần chải. Những chiếc áo phong phanh trong cái lạnh 4,5 độ.

Lần lượt từng đứa lên nhận áo ấm, mũ ấm rồi lại quay về chỗ ngồi với vẻ bình thản. Không tranh nhau, không tị nạnh, so bì với các bạn về cái áo, cái mũ của mình.

Khác với trẻ con dưới xuôi luôn mừng rỡ khi được nhận quà, trẻ con vùng cao không quá chú tâm và hân hoan vào món quà được nhận.

Dường như cuộc sống ẩn dật trên núi cao mây mù đã dạy chúng hướng cái nhìn vào trong từ khi lọt lòng mẹ. Kể cả khi chúng cười thì đôi mắt vẫn như có làn mây che phủ, dịu dàng và buồn đến nao lòng. Con trai cũng vậy. Con gái cũng thế.
Bếp nấu cơm cho lũ trẻ Mầm non Hán Nắng ban trưa

Nhưng khi đống đồ chơi được đổ lên bàn thì chúng kéo ghế lại, ngồi quây quanh và những gương mặt bừng lên. Đôi mắt sáng long lanh vì được khám phá những đồ vật mà từ lúc sinh ra chúng chưa từng được thấy. Nào gấu bông, thỏ bông, tàu bay, ô tô, các con vật, những búp bê…Chao ôi là thương.

Lúc này chúng quên hết, cả cô giáo, cả khách, cả những bộ quần áo mới, mũ mới, cũng chả thiết các món ăn mà “gánh hàng xén Pa Cheo” đã chuẩn bị kĩ lưỡng từ trước…

Dường như có một thế giới đầy màu sắc, vô cùng sinh động, hấp dẫn đã mở ra trước những đôi mắt núi u sầu, thăm thẳm

 Liệu những đồ chơi ấy có mở ra được thế giới cổ tích cho các bé không? Liệu thế giới ảo đó có giúp các bé tưởng tượng về một thế giới thực mà đáng lẽ các bé có quyền được hưởng không?..
Thưởng thức bánh mì chấm sữa

Đứng lớp trông coi hơn 20 đứa trẻ chỉ có một mình cô giáo Thực, sinh năm 1986. Thực đang mang thai đứa con đầu lòng. Chồng ở xa.

Hàng ngày cô làm mẹ của 24 đứa trẻ này. Đến giờ trưa lại lụi cụi nấu cơm cho các con ăn.

Trong lúc cô giáo nấu cơm, tụi trẻ tự trông nhau. Ngoan như đám gà con úp trong bu, chả cần cô giáo phải la mắng, quát nạt.

Bữa cơm trưa có thịt do quĩ “cơm có thịt” hỗ trợ. Rau thì bà con rong bản cho. Cũng tạm ấm lòng cho đám trẻ. Tạm để chúng lớn lên.

Hy vọng sẽ bớt bị suy dinh dưỡng nếu chương trình “cơm có thịt” được nối dài, nối dài mãi...

Rời Pa Cheo là Sàng Ma Sáo, cũng lẩn khuất trong núi cao. Cũng là trường “của em be bé, nằm lặng giữa rừng cây”. Vẫn là những cô nuôi dạy trẻ còn rất trẻ, má đỏ hây hây, hay cười…
Áo mới, thích quá

Nghe được vào một điểm trường trong bản, mình nhảy phắt lên xe của cô Huyền vừa xinh vừa dễ thương. Là đàn bà nhưng vẫn thích gái đẹp. Khổ thế!..

Huyền bảo chỉ hơn cây thôi. Hóa ra 6, 7 cây đường xóc ổ gà, toàn đá lót mấp mô, trơn tuồn tuột. Đến chân núi, vứt xe ở vệ đường và bắt đầu leo dốc hơn 1km nữa mới tới dãy nhà xây chơ vơ giữa trời đất, ngạo nghễ giữa đỉnh núi.

Lớp mẫu giáo chỉ là gian nhà gỗ kế bên. Hiện mẫu giáo đang mượn tạm lớp của tTểu học do học sinh quá vắng nên tạm đóng cửa. Lớp có 13 trẻ ngồi quây quanh cô giáo trẻ măng, xinh xắn.

Thuyết sinh năm 1990. Cô dạy và ở luôn trên dãy nhà đó trên đỉnh núi cùng hai cô giáo tiểu học. Mình chợt trộm nghĩ, thân gái hơ hớ như thế này mà ở một mình dưới xuôi thì không biết có chuyện gì xảy ra? Nhìn con bé thương thắt ruột. Mới 21 tuổi, không con bé là gì…

Vậy mà lên đây theo nghề dạy học. Hàng ngày cô trò luẩn quẩn bên nhau trong gian phòng nhỏ xíu, đầu chạm mây, chân cách xa mực nước biển dễ hơn 1000 mét…
Phụ huynh và các anh chị Tiểu học cũng vui cùng

Khi lên xe rời Sàng Ma Sáo, qua Y Tý, những tưởng sẽ thẳng một mạch về Hà Nội. Nhưng nghe anh trai Khôi rủ rê lại vượt núi sang Mường Khương.

Ngôi trường mấy anh em tới ở sâu trong núi có cái tên rất khó nhớ: Tả Gia Khâu.

Đường trơn xe ô tô không thể vào đến nơi nên các cô giáo đi xe máy ra đón. Các cô cũng toàn là tay lái lụa. Chả kém các trai Mông là mấy.

Lên đây có lẽ các cô giáo ít khi được đi giày cao gót làm duyên. Cô nào cũng đi đôi ủng to tướng để tiện lội bùn và đỡ trơn.

Mình vẫn không lí giải được lí do nào đã giữ chân các cô ở lại nơi thâm cao cùng cốc này để bám lớp, bám học trò như vậy?.

Mưu sinh ư?. Không thuyết phục lắm vì về quê hay dưới xuôi kiếm việc để đủ sống như các cô chắc không khó?.
Trường của cháu đây là trường Mầm non

Yêu nghề ư? Yêu mấy cũng khó mà vượt qua được sự cô đơn. Nhiều người đã bỏ về khi cầm quyết định phân công tới đây.

Có thể là tấm lòng chăng?…Họ yêu học trò, thương học trò, thương những số phận lầm lụi sống lẩn khuất trong mây, xa cách với cuộc sống của mọi người.

Những bàn chân thiếu nữ vượt núi, trèo đèo, tạm biệt người thân, xa rời phố thị, chấp nhận thiếu thốn đủ bề để bình tâm ở lại cùng đám trẻ. Những cô gái mới ngoài 20 tự bảo ban nhau làm nghề và hơn hết là làm người, ở nơi người ta chỉ đến để thấy vẻ đẹp của non cao và lại ra đi…

Thương những thân cò nơi đỉnh núi trẻ, đẹp, xinh xắn nhưng thật nhiều cô đơn, vất vả, thiếu thốn. Những thân cò lấy bơ vơ làm cuộc sống. Lấy tiếng người làm khao khát. Lấy gương mặt khách làm hạnh phúc. Không có thú vui gì ngoài giờ lên lớp ngoài cái ti vi cũ kĩ.

Khách đến mừng lắm. Đôi mắt như muốn cười bù cho nhiều tháng vắng vẻ.
Bé áo xanh dạy lại chữ cho 2 bạn

Cô giáo nào có con thì đành gửi về nhà cho ông bà. Họ đùa bảo: “Chúng em đẻ con cho ông bà ấy mà”. Xa chồng, xa con, xa quê, mọi sức lực và tâm trí dành hết cho đám học trò lít nhít. Đôi lúc còn phải đến tận nhà năn nỉ cha mẹ cho chúng đi học.

“Xin” được mấy đứa đến lớp, cô trò dắt díu nhau đi. Vượt dốc trơn, có bé ngã lăn mấy vòng rớt xuống dốc. Tay cô chỉ dắt được hai đứa bé nhất nên đành đứng nhìn theo, lo thắt ruột.

Bé ngã lại đứng dậy, mười ngón chân bám mặt dốc leo lên lại…Cứ thế, đi khắp bản “xin” hết đứa này đến đứa khác để lớp học ấm lên bởi tiếng trẻ bi bô học hát, đọc thơ, tập dạy học cho nhau

Cô cần trò và trò cũng cần hơi ấm từ cô. Cò lớn, còn bé lặn lội cùng nhau mò con chữ trên đỉnh núi.

Mặc cho thiếu thốn từ giọt nước dùng hàng ngày.

Mặc cho manh áo chẳng đủ che giá lạnh.
Nhà của cô giáo

Mặc cho đôi chân trần tím tái vì sương tuyết.

Những đứa trẻ lớn lên ở đây, sống ở đây, học ở đây chưa từng một lần đặt chân lên mảnh đất nào khác ngoài bản làng của chúng.

Những bàn chân đất bám chặt vào núi ngày ngày tự đến trường, dù mới chỉ 3, 4 tuổi đầu.

Bàn chân nhỏ không giày, không tất dù nhiệt độ bên ngoài 2,3 độ C, bám chặt lên mặt đất nhão nhoét, trơn trượt vượt 2, 3 km đến trường mẫu giáo.

Bị ngã lại đứng lên đi tiếp, chả có ai nâng đỡ, suýt xoa, lau chùi, an ủi…Như đám chuột nhắt cắn đuôi nhau dò dẫm đến lớp học.

Lớp học phần lớn chỉ là những gian nhà gỗ, phên nứa hở hoác, che tạm bằng các bao dứa đỡ gió lùa.

Mà gió núi thì ai từng lên miền núi biết rồi đấy. Tựa như những lưỡi dao lam kết vào nhau và quất thẳng vào mặt, vào người đau rát. Có áo ấm, chân ấm thì còn chịu đựng được.
Chân miền núi

Còn những đứa trẻ chân đất này thì cam phận dưới cái lạnh cắt da. Chả thể thay đổi được gió. Chả thể thay đổi được mùa đông. Đến giờ vẫn chả thay đổi được phận nghèo. Không lẽ mãi cam chịu?.

Chợt nhớ slogan “nâng niu bàn chân Việt” nói ầm ầm trên ti vi lâu nay…Vậy ai sẽ nâng niu bàn chân trần cho các bé, sống trên các đỉnh núi ngàn năm mây trắng này?..
---------------------------------
* Hình ảnh ghi lại tại một số điểm trường Mầm non của xã Pa Cheo (Bát Xát, Lào Cai)

6 nhận xét:

  1. Buon va thuong cac em qua!

    Trả lờiXóa
  2. De nghi phong tang danh hieu anh hung lao dong cho cac CO GIAO vung cao!

    Trả lờiXóa
  3. Bao nhiêu năm rồi nhỉ ? Ôi giáo dục nước ta !

    Trả lờiXóa
  4. thiên đàng là thế ư????

    Trả lờiXóa
  5. Tất nhiên các anh có tấm lòng như thế là rất đáng quí. Nhưng cũng xin nhắc các anh rằng, đấy là việc của đàng và nhà nước lo nhé. Các anh xía vào sâu quá lại làm bỉ mặt nhà nước là có chuyện đấy.

    Trả lờiXóa
  6. cach day 36 nam toi ky su dia chat,da cuoi mot co giao vung cao dan toc tay /co giao ay bay gio da ngoai 60 tuoi /nhin ngoi nha giao vien trong anh toi chay nuoc mat nho lai ngay xua /

    Trả lờiXóa