19 tháng 12, 2011

KHÁCH QUÝ VỀ TỪ HOÀNG SA...

Trái qua phải: NNC Đinh Kim Phúc, "Sói biển", MTH và em Sơn
Mai Thanh Hải - Cả ngày liền, từ sáng đến tối mịt, rong chơi với những khách quý, đến từ cả miền Nam, miền Trung và mình gọi là "Hội ngộ 3 miền".

Buổi sáng, Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc bay sớm từ Sài Gòn ra, chuyến 7 giờ, mắt nhắm mắt mở đã đến Nội Bài.

Với mình, ngày cuối tuần chỉ dành để... ngủ, nhưng cũng mắt nhắm mắt mở, chạy ra Bờ Hồ đón bác Phúc, la đã trận bia hơi vỉa hè buổi sớm, lạnh đến quắt tai.

Ngồi qua trưa uống bia hơi, ăn vịt om sấu, "Sói biển" Mai Phụng Lưu ồ ề gọi điện: "Gặp mặt Chủ tịch nước xong rồi, cũng ăn trưa, kiêm... nghe ca nhạc xong rồi. Anh em mình gặp gỡ thôi!".

Nhà Mai Phụng Lưu mới đi xe khách từ Lý Sơn, Quảng Ngãi ra hôm qua. Làm khách mời của "Vinh quang Việt Nam" do Báo Lao động tổ chức thường niên, từ mấy năm nay và được bố trí ở Khách sạn Công Đoàn, 2 vợ chồng mỗi người 1 giường. Thế là lại tan cuộc bia, chạy qua đón Lưu qua nhà mình chơi, cho biết nhà cửa bà con của 2 ông cùng họ Mai.
Tại nhà MTH: "Sói biển", cháu Khoai, NNC ĐKP, vợ MTH

Uống với nhau chén rượu, lại nháy nhau chuyển... địa điểm nhậu. Kiếm chỗ mào thoáng đãng, nhiều cây cối và rộng rãi, để "Sói biển" thay đổi không khí, thưởng thức miền Bắc tý chứ?.

Nghĩ mãi, mới "à" lên mừng rỡ: Có cái Khu Sinh thái bên kia cầu Thăng Long (mình hay gọi là "sinh hoạt và... thái thịt"),mà chú em tên Sơn, chủ doanh nghiệp tuy nhỏ, nhưng tấm lòng hào sảng nhiệt tình và sự quan tâm đến biển đảo thì rất lớn. Gọi điện, Sơn cuống quýt: "Em đang chuẩn bị đám cưới ông anh. Nhưng kệ! Sang em chờ! Muốn gặp mặt những người nổi tiếng quá!".

Vòng xe qua Hồ Tây mênh mông, khói sương bảng lảng, chả thấy sâm cầm lớp chớp trước ánh mắt thèm thuồng của mấy chủ quán nhậu sát hồ. Leo lên cầu Thăng Long hữu nghị Việt Xô, đầy ặc xe và đang nghin nghít bởi hiện trường 2 vụ tai nạn ngay trên cầu.

Quán Vườn Xoài hôm nay vắng khách và yên tĩnh đến kỳ lạ, đủ để cho bàn khách nhà mình ngồi rì rầm trò chuyện, trong lảng bảng khói sương se lạnh và thánh thót lời hát Phú Quang "Mùa đông năm ấy, tiếng dương cầm trong căn nhà đổ, tan lễ chiều sao còn vẳng tiếng chuông ngân"...

Lấn bấn với nhau đến tối, mới rời khỏi Vườn Xoài, để Sơn về nhà tiếp tục lo việc cưới anh. Lại chạy về Công Đoàn, đón vợ "Sói biển" và 2 khách mời của "Vinh quang Việt Nam", ra vỉa hè Điện Biên Phủ uống bia - nhâm nhi cà phê ngắm lăng Bác, nhìn phố xanh đỏ ánh đèn.

Mình bảo: "Chiêu đãi các khách quý món đặc sản Hà Nội, duy nhất trên thế giới không có!". Mọi người nhảy tưng tưng từ chối, bởi sợ... tốn tiền. "Ơ! Món này đâu mất tiền?". Ai cũng mắt tròn mắt dẹt. Vợ mình bật mí: "Món này phải thưởng thức đúng giờ. Ngay gần đây thôi!", khiến 5 khách mời và Nhà nghiên cứu, từ khắp Trung - Nam ra nhấp nhổm, tò mò.

9 giờ kém, dẫn đầu cả đoàn đi... thưởng thức đặc sản. He! He!. Đó là xem Lễ hạ cờ ngoài Lăng Bác thôi, có gì tốn kém đâu?. Lúc ấy cả đoàn mới cười phá lên, hớn hở. Thì đúng quá còn gì nữa, chắc chả ở đâu có Lễ hạ cờ nghiêm trang và nhiều ý nghĩa như Hà Nội mình.

Chả thế mà mỗi khi có khách phương xa về, mình toàn đưa ra đây thưởng thức và ai cũng xúc động, thích đến rưng rưng. Chẳng nói đâu xa, ngay 2 chíp hôi nhà mình, cứ mùa hè, được ăn cơm tối sớm và chở nhau ra Quảng trường Ba Đình xem lễ hạ cờ, cũng khoái chí réo ầm ĩ, nhảy chân sáo tưng tưng.

Mình biết: Cuộc đời bám biển của Lưu rất vất vả. "Sự nghiệp" nghiên cứu Biển Đông của bác Phúc cũng chẳng kém phần gian lao. Thế nhưng, có những phút nghỉ ngơi giữa se lạnh Hà Nội, thẳng mắt nhìn cờ Tổ quốc, chào Đất nước trong tiếng nhạc trầm hùng, cũng là để tin yêu và đắp bồi tình yêu Tổ quốc.

Hôm nay, Lưu đã về tới TP. Quảng Ngãi, kiếm 1 nhà nghỉ bình dân ít tiền, để đợi biển lặng, có tàu từ đất liền ra đảo và cũng nằm dài cổ, tiếp tục đợi làm thủ tục vay tiền, qua Chương trình "Tấm lưới ngư dân".

Ra làm khách mời của "Vinh quang Việt Nam", được Phó Chủ tịch nước vỗ về động viên "cố gắng giữ gìn biển đảo quê hương" đấy, nhưng Lưu cứ thở dài thườn thượt lo khoản tiền gần 200 triệu đồng, vay nóng của bà con trên đảo, để góp đóng chiếc tàu mới, ra đánh bắt ngoài Hoàng Sa.

Ngay chuyến đi này, nghe đâu ngoài tiền ăn nghỉ được Ban Tổ chức bao trọn gói, vợ chồng "Sói biển" cũng chỉ được thanh toán tiền xe ra Hà Nội, còn tiền vào, phải bỏ túi ra chi trả. Cũng may mà, có nhiều người tốt, biết hoàn cảnh, nên dấm dúi cho thêm mấy đồng, gọi là "phở sáng - cơm trưa".

Gần 30 năm bám biển Hoàng Sa, thông thuộc từng hòn đá, lạch nước, rặng san hô... Bao lần bị tàu Trung Quốc chặn bắt, phá ngư cụ, đuổi đánh và chính thức, 4 lần bị lính Trung Quốc bắt nhốt, giam cầm thu tàu, đòi tiền chuộc... Nhưng "Sói biển" và 3 cậu con trai cũng quen nghề bám biển cùng bố, vẫn nhằm hướng Hoàng Sa, mỗi chuyến ra khơi.

Những người ngồi ở trên, chuyên đọc Tạp chí để có định hướng tuyên truyền thì vỗ về Lưu "làm trách nhiệm công dân, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc".

Nhưng gia đình Lưu và mọi ngư dân Lý Sơn thì chỉ nghĩ đơn giản: "Chỗ đó là Hoàng Sa, là ngư trường quen thuộc của ông cha, phường vạn. Nếu mình không ra, thì còn ai dám ra nữa, để mà bám biển - giữ đất?".

Ừ!. Giữ đất ông cha bằng tấm lòng và... tay không. Chắc chả quốc gia nào xảy ra chuyện này. Thế nhưng đó là thật, thật đến nghẹn ngào...

Trưa qua, khi kết thúc Chương trình Truyền hình trực tiếp trên VTV1, vợ chồng nhà Lưu phải trả phòng khách sạn, đôn đáo ra Giáp Bát, bắt xe đò về lại Quảng Ngãi, chuẩn bị cho chuyến ra khơi Hoàng Sa mới.

Trước khi lên xe, Lưu dè dặt: "Tàu mới đóng, thiếu nợ nhiều quá nên chưa sắm đủ trang bị. Chuyến này ra, định xin Đảng - Chính phủ cái bộ đàm Icom, để liên lạc với đất liền, tàu bạn, mà không dám!"...

Ừ! Có những điều, muốn nói ra nhưng đúng là không dám thật. Bởi nói ra rồi, biết đâu không nghe được thì sao?.

Thôi! "Sói biển" cứ về đi, thế gian này vẫn còn nhiều người tốt và mọi người sẵn sàng góp tiền, để mua tặng Lưu cái máy bộ đàm liên lạc, giúp Lưu đi về Hoàng Sa. Bởi vì, Lưu không chỉ là khách quý của nhà mình, mà còn là khách quý của bao người dân nước Việt, khi về đất liền, từ phía Hoàng Sa...

12 nhận xét:

  1. cảm xúc thật buồn, cám ơn bác Hải đã đón tiếp " Sói Biển". Hay là bác Hải phát động quyên góp tặng Icom cho " Sói Biển" đi. Em xin góp chút lòng.

    Trả lờiXóa
  2. Việt Nam mình chỉ cần 1/10 ngư dân có tinh thần như sói biển thì sợ đếch gì thằng nào. Nếu sói biển có dịp lên cao nguyên, thì cũng là thượng khách của nhà mình.

    Trả lờiXóa
  3. Mình xin góp 1tr để Sói biển mua icom ...liên lạc với đất liền , với vợ con...Mênh mông biển cả mà không có " Định hướng " Thì biết mô...là bến bờ!
    Cho mình Đ/chỉ chắc chắn của " sói biển " nhé. Biển sắp hết mùa động rồi.

    Trả lờiXóa
  4. Tạo 1 tài khoản đi Hải ơi. Chắc sẽ nhiều người ủng hộ đó.

    Trả lờiXóa
  5. Cảm ơn các bác Mamchauson, gianghonui và ND 11:06. Mời các bác đọc bài mới nhất, quyên góp mua Icomcho Mai Phụng Lưu.

    Trả lờiXóa
  6. Chuẩn bị đón khách Pleiku nữa, huhu

    Trả lờiXóa
  7. Bác Văn: Dạo này Hội Nhà văn họp nhiều thế?. Sáng mai em đi Tây Bắc, cùng "Cơm có thịt" của đại ca Trần Đăng Tuấn rồi, 24 mới về cơ!..

    Trả lờiXóa
  8. Em thấy các bác trên nói đúng đóa. Anh Hải tạo tài khoản quên góp ủng hộ biễn đão đi bằng tin nhắn nghe Anh. Em tin nhiều người sẽ rất ủng hộ đó.

    Trả lờiXóa
  9. Cảm phục Anh Hải quá Để ủng hộ "Sói Biển " Anh cho số Tài khoản để mọi Người góp với .

    Trả lờiXóa
  10. Đảng và CP còn bận nhiều việc, việc này để dân mình văn tự, a Hải báo số TK đi

    Trả lờiXóa
  11. Bài viết của Hải hay lắm, nếu có một ngân khoản để mọi người giúp Sói biển thì hay quá.

    Trả lờiXóa
  12. Anh oi bao so tk di em gai co chut ung ho.Hihi

    Trả lờiXóa