12 tháng 10, 2011

SÌ LỜ LẦU - ĐÃ HƠN 30 NĂM...

Cổng Đồn Biên phòng Sì Lờ Lầu (Phong Thổ, Lai Châu)
Mai Thanh Hải - Sáng sớm ngày 17/2/1979, Quân đoàn chủ lực 11 của Trung Quốc bất ngờ nổ súng tấn công Việt Nam và ào ạt nã pháo, xua bộ binh tiêu diệt các đơn vị bộ đội - dân quân tự vệ của ta đang giữ mảnh đất địa đầu Phong Thổ (Lai Châu).

Đối mặt với cả Quân đoàn chủ lực tinh nhuệ của Trung Quốc (biên chế 50.000 lính bộ binh và 1 Trung đoàn pháo binh), phía ta chỉ có một bộ phận của Sư đoàn bộ binh 326 (gồm các Trung đoàn bộ binh 19, 46, 541, Trung đoàn pháo binh  200); Trung đoàn bộ binh 98 (thuộc Sư đoàn Bộ binh 316), một bộ phận của Trung đoàn pháo binh 187, 2 Trung đoàn bộ binh 193 và 741, Tiểu đoàn pháo binh của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lai Châu.
Hướng tấn công vào Lai Châu của lính TQ, năm 1979 là Sì Lờ Lầu

Đặc biệt, những tiếng súng đầu tiên đánh trả, kìm chân, làm chậm bước tiến của quân bành trướng xâm lược, tạo điều kiện cho các đơn vị bộ đội chủ lực dàn thế trận, đánh trả "biển người" xâm lăng, chính là các đơn vị Công an vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng), Bộ đội địa phương huyện và dân quân tự vệ các bản làng...

Tại Lai Châu, tiếng súng đầu tiên, bắn thẳng vào quân xâm lược, trong rạng sáng hơn 32 năm về trước trên mảnh đất địa đầu Phong Thổ, Lai Châu là của những cán bộ chiến sĩ Đồn Sì Lờ Lầu (Đồn 1), Công an nhân dân Vũ trang tỉnh Lai Châu (nay là Đồn 289, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu), báo hiệu cho toàn quân toàn dân nổ súng đánh địch. 
Liệt sĩ hy sinh ngày 17/2/1979 trong khi bảo vệ Phong Thổ, Lai Châu

Lịch sử Bộ đội Biên phòng Việt Nam đã ghi rõ về Đồn Biên phòng Sì Lờ Lầu (Đồn 289):

"Đồn Sì Lờ Lầu phụ trách đoạn biên giới Việt - Trung, phía bắc dãy núi Hoàng Liên Sơn. Trong địa bàn có 8 xã, với 9 dân tộc ít người, thuộc huyện Phong Thổ tỉnh Lai Châu.

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới, sáng 17/2/1979, địch có pháo yểm trợ tấn công Đồn.

Đồn Sì Lờ Lầu ngoan cường chiến đấu, đánh trả quyết liệt, diệt nhiều tên địch, đẩy lui các đợt tấn công của chúng.

Cùng ngày, tổ công tác cơ sở của Đồn đã phối hợp với 1 Trung đội dân quân của hai xã Si Lờ Lầu và Vàng Ma Chải liên tục chặn đánh địch, diệt 45 tên, phá tan âm mưu của chúng định cấu kết với bọn phản động địa phương gây bạo loạn.
Hình tư liệu: Bộ đội Biên phòng Phong Thổ tiêu diệt quân TQ xâm lược

Ngày 6/3/1979, đồn đã phối hợp với đơn vị bạn chiến đấu, đánh trả quyết liệt 1 Trung đoàn địch ở khu vực Dào San, đẩy lùi hàng chục đợt tấn công của chúng, diệt 100 tên.

Đơn vị đã kịp thời tổ chức lực lượng luồn sau lưng địch, hợp đồng chặt chẽ với các lực lượng địa phương trấn áp bọn phản động, diệt 5 tên, giữ được địa bàn, bảo vệ được dân.

Đơn vị đã diệt và làm bị thương nhiều tên, thu nhiều vũ khí.

Đơn vị 3 năm liền là Đơn vị Quyết thắng, được tặng thưởng Huân chương Chiến công.

Ngày 19/12/1979, Đồn 1 (Si Lờ Lầu) Công an nhân dân Vũ trang tỉnh Lai Châu được Chủ tịch nước CHXHCNVN tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân"...

Thế nhưng, có 1 điều mà Bản Báo cáo thành tích phong đơn vị  Anh hùng cho Đồn Biên phòng Sì Lờ Lầu, không nhắc công khai, đó là: Ngay trong những ngày đầu tiên đánh trả quân xâm lược, bảo vệ biên cương, bảo vệ Đồn và địa bàn phụ trách đó, những cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Sì Lờ Lầu đã bắn đến viên đạn cuối cùng, phải dùng đến lưỡi lê - báng súng đánh trả địch và tất cả họ, đều ngã xuống.
Trạm Kiểm soát BP thuộc Đồn Sì Lờ Lầu

Sau này, khi khởi công xây dựng lại doanh trại mới, trên nền đất cũ, khi đào móng nhà, người ta tìm được rất nhiều hài cốt của những người lính Biên phòng, đã ngã xuống năm xưa.

Các anh dẫu bị vùi trong chiến hào, bờ tường sập đổ do pháo địch, nhưng vẫn nắm chặt dao găm, báng súng và không ít chiến sĩ đang trong tư thế thọc lê vào họng bộ hài cốt nằm rũ rượi bên cạnh, đội mũ mềm gắn sao Bát Nhất

Huyện Phong Thổ, Lai Châu bây giờ có 4 Đồn Biên phòng và cả 4 đều được hưởng Chế độ ưu đãi xã hội dành cho địa bàn đặc biệt khó khăn gian khổ, áp dụng cho Bộ đội Biên phòng. Đó là các Đồn 277 (xã Nậm Xe), Đồn 281 (xã Dào San),  Đồn 293 (xã Vàng Ma Chải) và Đồn 289 (xã Sì Lờ Lầu).
Đường từ Dào San lên Sì Lờ Lầu

Sì Lờ Lầu, theo tiếng địa phương nghĩa là 12 tầng dốc. Nhìn trên bản đồ rất dễ nhận ra, bởi địa danh này nằm tại đường Vĩ tuyến cao nhất của tỉnh Lai Châu, với 3 mặt có đường biên giới giáp Trung Quốc.

Nằm cách trung tâm tỉnh lỵ gần 100km, song trước năm 2005, để đến được Sì Lờ Lầu, người ta phải đi bộ 40 km từ trung tâm cụm xã biên giới Dào San.

Sau một ngày ròng rã đi bộ và nghỉ qua đêm lấy sức, sáng ra ngửa mặt lên, như nhìn thấy Sì Lờ Lầu ẩn hiện trong mây.

Vượt qua dốc Tả Páo, người khoẻ phải mất 2-3h vừa đi vừa bò, còn người yếu thì... cả ngày để qua 12 tầng dốc đứng, chạy hình chữ chi với chiều dài trên 5 km, chiều cao tuyệt đối tới trên 600m.
"Trung tâm Thương mại" xã Sì Lờ Lầu

Trước khi có đường cấp phối chạy lên, không ít cán bộ miền xuôi, khi đến Sì Lờ Lầu phải bò qua 12 tầng dốc, có khi kiệt sức nằm giữa đường, chờ người xuống cáng lên.

Nằm ở nơi gian khó bậc nhất Tổ quốc, Đồn Biên phòng 289 được giao phụ trách 2 xã (Sì Lờ Lầu, Ma Ly Chải), với 28,5 km đường biên giới (từ mốc 70 đến mốc 78); riêng xã Sì Lờ Lầu có 6 bản với 3.500 nhân khẩu đều là dân tộc Dao.

So với các Đồn Biên phòng trong cả nước, Đồn 289 là Đồn Biên phòng nằm gần đường biên giới nhất (từ đơn vị nhìn rõ đường biên, cách địa danh gần nhất của Trung Quốc chỉ khoảng 1km đường chim bay).
Khu dân cư Trung Quốc, nhìn từ trung tâm xã Sì Lờ Lầu

Sau Cửa khẩu Ma Lù Thàng, có lẽ Sì Lờ Lầu là nơi giao thương nhộn nhịp nhất qua biên giới.

Đơn giản cũng chỉ vì bản làng của 2 bên quá gần nhau, đi lại quá dễ dàng.

Mỗi phiên chợ ở Sì Lờ Lầu, có đến vài chục thương nhân từ Trung Quốc mang hàng hoá sang bán, thu mua lâm thổ sản địa phương.

Thu hút hàng nghìn đồng bào từ các thôn bản xuống mua bán.

Ngược lại, đến phiên chợ bên Trung Quốc, đồng bào ta lại lũ lượt kéo sang bán lâm thổ sản, lặc lè vác hàng hóa loằng ngoằng chữ Tàu về sử dụng - tiêu thụ.

Năm 2004, mình lọ mọ cả 1 ngày bằng cả ôtô, xe máy và... đi bộ, mới vượt được 12 tầng dốc, từ Trung tâm cụm xã Dào San lên tới Sì Lờ Lầu.

Hồi ấy, con đường cấp phối mới đang bắt đầu làm, nên xe máy đi đến đâu, bà con người Dao, ăn mặc đỏm dáng, đỏ choét cứ xúm đen xúm đỏ lại để... tròn mắt nhìn xem, tay chân rờ rẫm chỉ trỏ.

Bây giờ đường đã mở lên đến tận xã, kinh tế người dân có vẻ khá giả, nhờ sự chu cấp từ A đến Z của Chính phủ và thi thoảng, trúng được mùa thảo quả, nên "gương mặt" Sì Lờ Lầu cũng có nhiều đổi khác.
Khu dân cư trung tâm Sì Lờ Lầu

Sự đổi khác rõ nhất là mỗi phiên chợ, bà con lại ùn ùn đổ từ trên núi cao xuống, xúm xít quanh các gian hàng bán đồ Trung Quốc và lặc lè khênh về, rặt hàng Tàu chữ loằng ngoằng.

Buồn và đau nhất, khi ra khu trung tâm xã với mấy hàng tạp hóa, sửa xe và khu nhà khung sắt, mái lợp tôn làm thành chợ, nhìn đâu cũng thấy hàng Trung Quốc, từ túi bánh, củ cải muối, tấm vải... cho đến tivi, xe máy, radio. Những thứ hàng hóa Madein Việt Nam, nhìn đi nhìn lại, vẫn chỉ là "hàng chủ lực": Xăng dầu, muối mắm, phân bón và... bia lon Hà Nội.

Buồn hơn nữa, khi mọi giao dịch - mua bán ở nơi biên cương Tổ quốc này, chủ yếu được thực hiện bằng đồng nhân dân tệ. Đi đến đâu, cũng thấy người dân mua bán, trao đổi bằng tiền Trung Quốc. Trong túi xách, túi quần, ngăn kéo... toàn là tiền Trung Quốc Hãn hữu lắm, mới thấy tiền đồng Việt Nam.
Địa đầu Tổ quốc, nơi cực Bắc Lai Châu (9/2011)

Hơn 32 năm trước, hàng trăm người lính Việt Nam đã ngã xuống trong buổi tờ mờ sáng, giữa mịt mù đạn pháo, bê bết máu xương để ngăn dòng đội quân cướp đất, giết dân với quân số Quân đoàn 50.000 lính Trung Quốc.

Những ngày sau của hơn 32 năm trước, cho đến tận bây giờ, còn biết bao nhiêu xương máu - nước mắt - chia ly - gian khó - chịu đựng... của những người lính Biên phòng, cán bộ cắm bản... đã đổ xuống địa đầu Phong Thổ, để giữ đất, giữ dân và sự toàn vẹn lãnh thổ.

Mình cứ lẩn mẩn: Tại sao, giữ đến thế, mà hàng - đồ ngoại lai vẫn ùn ùn đổ vào, thay thế dần mọi thứ đồ dùng truyền thống, hiện đại có tên Việt Nam, ở ngay nơi xa xôi - heo hút này?. Tại sao, cũng ở nơi hiểm trở xa tít mùa tắp này, người ta rất nhanh chóng phát hiện ra 1 gương mặt lạ (từ người bán hàng, du lịch phượt hay cán bộ dưới xuôi lên công tác) và xịch xuống hỏi giấy tờ, giấy phép vào vùng biên giới... nhưng sao vẫn để tờ tiền của nước ngoài, từng ngày - từng giờ, nhởn nhơ - công khai thay thế  cho tờ tiền quốc gia, trong mọi giao dịch, ở mọi người - mọi nhà, trong cái địa bàn bé tý, cán bộ thông thuộc từng góc rừng, gương mặt trẻ con mới sinh?..

Lại thở dài: Giá như, trên vùng cực Bắc Sì Lờ Lầu - Phong Thổ, người ta khắc mấy chữ trên tấm bia đá, để ghi nhớ nơi mà, quân số của cả một Đồn Biên phòng áo xanh đã hy sinh, trong chỉ 1 ngày, không 1 ai sống sót, thì biết đâu, những người dân nơi đây, cũng phần nào nhớ lại được lịch sử, cảm nhận được khái niệm "tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc", chia sẻ với "người dưới xuôi" chưa bao giờ bước chân lên biên giới, chuyên ngồi trong Hội trường máy lạnh, ngoác mồm cá ngão phát động phong trào "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"... thì biết đâu, hàng Tàu sẽ lại bị "đẩy đuổi" về bên kia biên giới, trả lại "địa bàn" cho hàng Việt, vốn được trợ giá, trợ cướp, đang thập thò mãi tít... Điện Biên?..
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Xúm xít xem ôtô, lần đầu tiên lên được Sì Lờ Lầu

Người Dao đỏ - đặc trưng không đâu có ở Sì Lờ Lầu

Đường lên 12 con dốc và ruộng bậc thang

Chợ dọc đường

Cổng chợ Ma Ly Chải (ven đường lên Sì Lờ Lầu) với 2 tảng đá đặt trước cổng chợ, rất hãi...

Đồng bào cõng hàng Tàu về bản, sau phiên chợ bên đất TQ

Hàng tạp hóa ở Trung tâm xã Sì Lờ Lầu, toàn hàng mang về từ bên TQ

Củ cải muối

Bánh Snack

Lợn Việt gườm gườm lườm xe Tàu

Đố tìm thấy cái gì không phải là Tàu

Cột mốc 71 bên phía TQ

Cột mốc 71 phía Việt Nam, rất uy nghi

Sang bên kia cầu là đất TQ rồi, thằng xâm lược nào sang, chém chết bỏ ngay

Hơi bị bất ngờ: Room máy lại, phát hiện cột mốc phía TQ được quây kín bằng dây thép gai, giống... chuồng trâu

Điều lệnh nội vụ trên miền biên giới: Nhìn bên phải, chào!
 -----------------------------------
* Bài viết có sử dụng tư liệu - hình ảnh của Phượt tử Bát Trảm Đao - Phuot.com

16 nhận xét:

  1. MTH có đi Hà Giang không nếu có đi thì thì đến thị trấn huyện Vị Xuyên gặp câc CCB sư đoàn 356 nhất là anh Đệ người lính chiến tại Hà Giang từ năm 84 đến 89. Rất mong MTH viết về cuộc chiến tại đó thật trung thực và khách quan.

    Trả lờiXóa
  2. 32 chứ ko phải 22 năm

    Trả lờiXóa
  3. * ND 03:22 Nhà cháu đã sửa rồi ợ. Lỗi... kỹ thuật.

    * ND02:39 Nhà cháu cũng rất muốn gặp lại các CCB Mặt trận Vị Xuyên. Nếu có thể, bác chắp nối cho nhà cháu được gặp và tìm hiểu nhá!..

    Trả lờiXóa
  4. Tiền Trung Quốc k thể nào ngừng xuất hiện khi mọi giao dịch buôn bán đều là qua lại giữa ta và họ, A ơi. Mở mắt ra đã thấy phía bên kia là nhà TQ với nhà mái bằng rờm rợp, hàng hóa xanh lè đỏ choét tùm lum. E chỉ sợ, nếu giáo dục k đến nơi thì cái tiếng và cái chữ Việt cũng khó mà được bà con mình xài thông dụng đó chứ A.

    Trong khi các DN Việt chủ trương đưa hàng Việt về nông thôn còn èo uột, lẻ tẻ kiểu hội chợ theo... tháng/ quý, thì bao giờ đã mong hàng Việt tới những thôn bản xa xôi, cách trở với 12 tầng dốc đứng như thế kia hở A?

    Cũng may là Bia HN đã tới tận nơi với bà con. Để thấy rằng cái Thủ đô - k - xa - lạ - gì- lắm.

    Trả lờiXóa
  5. Và tiền bà con có được đủ để sắm sanh vật dụng, trang hoàng nhà cửa chủ yếu là trúng mùa thảo quả, thì là thảo quả tự nhiên mọc từ rừng hay được trồng theo quy hoạch hở A?

    Và cái quả đó khi trúng mùa thì lại bị thương gia TQ mua luôn rồi fải k anh? TQ có thể trả giá bà con bằng tiền, hoặc = hàng hóa: TV, xe máy,... Cứ thế, cứ thế, là 1 cái vòng luẩn quẩn, tròn vo, đời nọ kế đời kia.

    Nên cái mơ ước của A: "hàng Tàu sẽ lại bị "đẩy đuổi" về bên kia biên giới, trả lại "địa bàn" cho hàng Việt, vốn được trợ giá, trợ cướp..." sẽ mãi... chỉ là ước mơ. (Sẽ là thực tế nếu như thương gia Việt chịu khó đầu tư, để ý tới bà con, tới đó mà thu, mà mua, mà mang hàng Việt, tiền Việt cho đồng bào mình xài.)

    Trả lờiXóa
  6. Kết nhất câu này "Lợn Việt gườm gườm lườm xe Tàu". Cám ơn bác Hải!

    Trả lờiXóa
  7. đọc bài của Bác nước mắt em lại chảy dài...

    Trả lờiXóa
  8. Ko hiểu sao cứ nghe tụi Khựa là mình lại sôi máu...
    Nhưng phải ngẫm lại bằng cái đầu lạnh mới được và thấy mấy điểm như sau:
    - Phía bên kia biên giới, dân khựa có vẻ giàu có hơn bên này của mình nhỉ? Ngậm ngùi!
    - Hàng hóa bên này của mình lại toàn chữ khựa. Ngẫm cũng buồn cho dân mình!
    Cảm ơn bác Hải về các bức ảnh (chụp + sưu tầm)và bài viết. Bác mà mà làm phóng viên chính luận thì tụi VNN, VNExpress,.... có mà thất nghiệp luôn. Quý bác! (gần đây, mỗi ngày ghé và blog bác ít nhất 1 lần, same với VNN đấy! hihihi)

    Trả lờiXóa
  9. Một người con của thành phố Lao Cai16:16:00 13 thg 10, 2011

    Gửi Anh Mai Thanh Hải!

    Cảm ơn bài viết của Hải và những tình cảm Hải dành cho những người con ưu tú nhất của tổ quốc đã ngã xuống trong các cuộc chiến tranh bảo vệ quốc. Đặc biệt là những cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc 1978-1988, biên giới Tây nam, Hoàng sa, trường sa.

    Sự hy sinh của đồng bào và chiến sỹ trong các cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc mãi sống mãi với con dân đất Việt.

    Không được ai cho mình quyền lãng quên những người con ưu tú đó của đất Mẹ Việt nam.

    Trả lờiXóa
  10. Hải ơi, áng nay vào blog còn thấy bài viết về một xã của Lai Châu ở vùng giáp biên giới với Khựa mà tại đó chỉ có toàn hàng tầu và xài tiền tầu. Giờ có thời gian định còm một cái thì thấy bị gỡ xuống rồi. "Nhậy cảm" quá chăng? Thôi, đành còm vo nhờ ở đây vậy.
    Thật ra thì mình nghĩ là bè lũ lãnh đạo Khựa cũng ngu và nóng vội quá. Bọn chúng cần gì phải cắt cáp ở Biển Đông và dọa nạt ngư dân mình làm chi cho ầm ĩ lên. Về chính trị thì chúng nó đã được "bảo kê" rồi. Về kinh tế thì cứ việc âm thầm thao túng Việt Nam như đã và đang thực hiện trên mọi lĩnh vực thì chẳng bao lâu chúng nó sẽ là người quản lý thực sự nền kinh tế của nước mình rồi muốn làm chi chả được. Do sự thờ ở và sự ngấm ngầm đồng tình của các cơ quan chức năng(mà tôi tin là như vậy)và sự hợp tác vô cùng tích cực của các doanh nhân chỉ vì lợi ích cho cá nhân mình thì đến lúc đó Việt Nam sẽ chỉ còn trên danh nghĩa thôi mà người chủ thật sự để điều khiển và thao túng Việt Nam sẽ là chúng nó. Chẳng tốn một viên đạn hay một giọt máu nào mà vẫn đạt được dã tâm thâm hiểm của mình. Nếu các cơ quan nhà nước vẫn chưa chịu mở mắt ra để nhìn nhận vấn đề thì viễn cảnh đen tối đó cho đất nước Việt Nam sẽ là điều không thể tránh khỏi.

    Trả lờiXóa
  11. Anh Phú Hòa đang còm vào đúng bài mà anh nói đấy. Bác chưa đọc kỹ mà đã phán em "gỡ bài xuống", oan em quá.

    Trả lờiXóa
  12. Hì hì, sorry Hải nhé. Đọc lại mới thấy chính là bài này. Thế là còm đúng chỗ rùi.

    Trả lờiXóa
  13. Đồng ý với ý kiến của Phú Hòa. Trung Quốc dùng quyền lực mềm thao túng chính trị, kinh tế Việt nam có lẽ dễ dàng đạt được kết quả hơn dùng quân sự. Đọc bài của Mai Thanh Hải mà thấy buồn cho tình cảnh của đất nước. Không biết những người dân thường ở vùng biên cương ấy có lòng tự hào dân tộc không nhỉ? Hay nhiều người dân nói tiếng, dùng hàng, tiêu tiền Trung Quốc dần dà tự nguyện trở thành người Trung Quốc. Phải làm gì đấy để chặn quá trình Hán hóa này lại.

    Trả lờiXóa
  14. Có điều kiện Hải viết về cuộc chiến tranh vệ quốc hào hùng năm 1979 đi cho mọi người cùng đọc với, cám ơn trước.

    Trả lờiXóa
  15. vì nhân dân quên mình vì nhân dân hy sinh , anh em ơi vì nhân dân quên mình. Thề tranh đấu không ngừng, vì đất nước thân yêu mà hy sinh.

    Trả lờiXóa
  16. MTH hỏi xem đoàn kinh tế quốc phòng 356 có phải là sư đoàn 356 chuyển sang làm kinh tế không ? theo mình được biết đoàn KT-QP 356 thành lập 21/8/2008 của quân khu 2 . bởi vì ngày trước mình ở 356 tức là sư 316B thành lập 12/1974 tại Nghệ An .
    blog của mình : (nhatnghia company)
    chào thân ái
    Lê Mạnh

    Trả lờiXóa