14 tháng 10, 2011

VỀ MIỀN TÂY

Dr.Nikonian - Dễ đã hơn hai mươi năm, vậy mà tôi vẫn chưa quên được cái cảm giác khi lần đầu tiên xuống miền Tây.

Xin các bạn miền Tây thứ lỗi, nếu như tôi thành thật nói rằng cảm giác đầu tiên đó không mấy gì dễ chịu, thậm chí hơi ơn ớn.

Đã quen với con sông xanh biếc, “bóng tre êm ru” lẫn “con diều vật vờ”, hay với cây đa cổ thụ đầu làng, thật muôn phần lạ lẫm khi nhìn dòng sông cuồn cuộn đục ngầu phù sa, đám dừa nước rậm rạp, khóm lục bình trôi vất vưởng…

Chưa kể con người!. Không nón lá, áo dài e ấp. Chỉ bà ba quần lãnh, nụ cười hết cỡ với kha khá răng vàng (thời đó răng vàng còn là mode), lại thêm rất nhiều mùi kem Hoa Lan.

Chưa kể lão nông lực điền uống rượu như nước lã, nghêu ngao câu vọng cổ buồn bên bờ kênh tối đen như mực…

Nhiều lắm những lạ lẫm như thế.

Mà hồi đó, khi người ta trẻ, người ta chưa hiểu được sông ngầu đục phù sa là no ấm, là trên cơm dưới cá. Người  ta cũng chưa hiểu câu “gạo trắng nước trong”.

Người ta cũng chưa đủ nhạy cảm để hiểu tố chất miền Tây, suy nghĩ hào sảng như miền Tây là điều đáng quí.

Rồi nước cứ chảy qua cầu, tôi cũng già đi theo năm tháng. Bước chân tôi đã lưu lạc đến rất nhiều vùng miền của đất nước.

Tôi đã từng yêu Hà Nội đến độ check in ở khách sạn quen cứ ngỡ mình đang về nhà.

Mà Hà Nội năm ấy, chưa như bây giờ, chưa làm người ta sợ, chưa làm người ta ngán ngẩm.

Những tấm ảnh đầu tiên tôi chụp, từ chiếc lá vàng rơi trên mặt phố, từ chiếc lưng còng nhẫn nại của chị hàng hoa…đều từ những ngày lang thang với phố phường Hà Nội.

Tôi đã từng phải lòng Hà nội như thế đấy!.

Tình yêu Hà Nội nay đã thành quá khứ, như làn khói hương trầm dâng Phật của bà cụ N. nơi khách sạn quen mỗi sáng.

Cũng vậy, rất nhiều tình cảm dành cho một địa danh nào đó đã phai nhạt dần, hoặc chỉ là sự choáng váng thất kinh ngay từ phút đầu.

Vì sự thiếu thân thiện, hỗn hào! Vì thói chanh chua, chụp giật. Vì lối sống mạnh được yếu thua…

Vũng Tàu, Nha Trang, Huế, Hà Nội… dần dần trở thành những hoài niệm về một thành phố hiền lương, thuần hậu.

Đến nỗi phải chua chát mà tự trào lộng về câu quảng cáo cho du lịch Việt Nam: ” Đi nhanh đi, trước khi chúng tôi phá sạch bây giờ!”

Theo đà chụp giật này, chẳng biết khi nào tôi sẽ nhớ đến Hội An, Qui Nhơn, Tuy Phước… với một tiếng thở dài. Hay sẽ chép miệng than vãn một câu quen thuộc: “Hồi đó, vùng miền X, Y, Z… này không tệ như vầy (?)”

Sự xa lạ, dè chừng khi ngao du ngay trên đất nước của mình thật khó chịu.

Nó như một cái gai xốn mắt, như phải mặc một chiếc áo bẩn ngay khi vừa tắm xong.

Nó vướng víu, nhưng không gột rửa được. Vì cứ bước ra đường là thấy đủ điều chướng tai gai mắt.

Tôi nào có muốn mang lòng phụ rẫy?.

Miền Tây không thế! Đã lâu thật lâu, tôi choàng dậy vì tiếng xuồng máy xình xịch trên sông Tiền. Phố xá tinh tươm, như thể trận mưa rào đêm qua đã gột sạch mọi dấu vết cần lao của người dân nơi đây. Nắng đẹp và ấm áp, như lời mời quá dễ thương từ một chị tour guide đường phố:

“Đi xuồng tham quan chợ nổi không cưng?”

Không, “cưng” này không có thời gian đi chợ nổi.

“Cưng” này khoát tay đi tiếp một vòng, lại để nghe một anh xe ôm phong sương với nụ cười rất hồn hậu mời tiếp:

“Đi xe ôm chơi một vòng hôn anh Hai?”

Loanh quanh hỏi đường với một anh bán vé số cụt chân. Nhiệt tình, hào hển hoa tay múa chân chỉ trỏ.

Cũng ngạc nhiên, cũng choáng vì sự nhiệt tình quá sức dễ thương ngày.

Ít nhất cũng ngang với cái sự choáng khi lần đầu tiên được nghe câu “lượn đi cho nước nó trong” khi trót dại hỏi đường.

Lạy trời chứng giám! Qua bao năm lê bước rất nhiều nơi chốn, chứng kiến bao nhiêu cảnh buồn nhiều hơn vui của nước non mình, nay nghe lại, hít thở lại sự chân chất nguyên vẹn của người miền Tây mà hơn 20 năm trước tôi đã từng không hiểu, tự dưng thấy cảm động đến tận đáy lòng.

Chỉ vậy thôi, mà cũng đủ để thấy nao nao trong lòng khi thấy dân mình lương thiện, hiền hòa, cần lao để mưu sinh nhưng vẫn giữ lòng ngay thẳng.

Chỉ dăm phút loanh quanh, tôi đã nhanh chóng phải lòng đất này, nơi mà sự tốt bụng, chân chất của người dân nơi đây chẳng phải là một “vẻ đẹp tiềm ẩn”, phải căng mắt ra mới thấy như ở những nơi “thanh lịch” khác.

Vậy đó, tuy “cưng” không đi xuồng, tuy “anh Hai” từ chối xe ôm… nhưng sẽ hẹn một ngày trở lại. Về lại nơi đây, chẳng để “mặc áo the, đi guốc mộc”. Chỉ để thấy thương mến quê hương  nghèo khó của mình vô hạn.

Vì tuy quê mình nghèo nhưng lương thiện, thưa các bạn!..
--------------------------------------------------------------------------------
Tuần tới này, mình sẽ bay từ Hà Nội vào và lang thang các tỉnh miền Tây mùa nước nổi. Có ai đi cùng mình không, cho đỡ lẻ loi - cô độc?.. Có bạn nào ở miền Tây, giúp chỉ bảo mình đường sá?..

8 nhận xét:

  1. Với miền Tây thì khỏi cần hẹn hò rào trước đón sau, a cứ về tới sân bay Cần Thơ, rảo quanh vài vòng, tức khắc sẽ có bạn... đồng hành ngay thôi mà,
    ;)

    Mà e nghĩ miền Tây không bao giờ khác, vì dòng chảy những con sông k khác, đời sống bà con vẫn lênh đênh sông nước, vậy nên con người k đổi. Miền Tây cuốn hút, quyến rũ vì người dân hồn hậu - phóng khoáng, rất mực hồn nhiên.

    Trả lờiXóa
  2. Chúc bác Hải đi đường mạnh khỏe, vạn dặm bình an (bác nhớ mang thuốc chống sốt rét, đau bụng, chống say rượu,... càng nhiều càng ít). Em đặt hàng bác 1 phóng sự (đau lòng nhưng phải chịu) về vấn đề "chết không có chỗ chôn" của người dân Miền Tây mùa nước nổi nhé.

    Trả lờiXóa
  3. Về miền Tây! Cóc, ổi, mía ghim đây! Mại dzô! Mại dzô!
    Tía má! Mua giúp con trái bắp ăn đỡ đói nha!
    Mùa nước nổi năm nay về miền Tây chơi đi bà con!

    Trả lờiXóa
  4. Em đang tìm kiếm thông tin cho đoàn em đi. tiếc là bọn em đang bận nên chắc qua tháng mới xuống thăm thú cảnh điền viên được. Đành lỗi hẹn với bác.hihi

    Trả lờiXóa
  5. Em hâm mộ bác Hải lâu rồi nhưng chưa bao giờ có dịp gặp, đi miền Tây nếu có dịp ngang qua Vĩnh Long thì gọi cho em, em sẽ giúp bác 1 ngày về quê uống rượu sau vườn chơi, có gì cứ gọi em, Thu (nam ko phải nữ nhé) : 0903145004

    Trả lờiXóa
  6. Nhớ nhá! Thu nam nhá! Đến Vĩnh Long, gọi ngay tức thì...

    Trả lờiXóa
  7. Bác Hải này, chỉ được cái, nhậu là... xôm!
    :)

    Trả lờiXóa
  8. Với điều kiện đừng có khu công nghiệp nào về chốn này, chúng tàn phá kinh lắm!

    Trả lờiXóa