Đàm Hà Phú - Đi mà không rành đường thì phải hỏi đường thôi, chuyện đương nhiên, “ra đường hỏi già, về nhà hỏi trẻ” mà.
Hỏi đường thì nên kiếm đàn ông, người có tuổi chút càng tốt, trước khi hỏi nhớ chào một câu. còn không cứ trờ tới nhe răng cười rồi hỏi: "chú/bác/ anh cho hỏi thăm…", rồi gật đầu cảm ơn là đặng.
Mà cũng lạ, có lẽ dân Việt Nam mình là ưa hỏi đường và chỉ đường nhất thiên hạ. Tôi xem phim, thấy ở nước ngoài đi đâu họ cũng dùng bản đồ, GPS chứ ít khi thấy ai hỏi đường. Nhiều chỗ mình hỏi thăm mà bá tánh nhiệt tình quá: 5 - 3 người cùng xúm xô chỉ đường, thì cũng lắng nghe cho đủ, nhe răng cười với hết thảy, tạ tình cái nghĩa cử chỉ đường chỉ lối.
Có mấy chuyện liên quan đến chỉ đường, kể nghe chơi mùa giáp hạt.
------------------------------------------------------------------------------------------------
1.
Một lần tôi đến một thành phố lớn, xin phép không nói tên, tôi đến trọ ở nhà người quen của anh bạn đi cùng. Tôi và anh bạn ra khỏi chỗ ở từ sáng sớm lúc trời chưa có nắng và trở về khi thành phố đã lên đèn. Chúng tôi loay hoay mãi vẫn không tìm được đường về vì chỗ ở là một khu dân cư mới ở một quận cũng có thể xem như ngoại thành.
Đi lòng vòng mãi, tôi gợi ý anh bạn là ta nên hỏi đường nhưng anh cứ chần chừ rồi lại bảo thôi, anh cứ đi theo trí nhớ, càng đi càng có vẻ lạc.
Mãi sau, đói bụng quá, tôi nhất quyết bắt anh dừng xe máy ở một ngã tư, nơi có một người đàn ông ngồi trên chiếc xe gắn máy đang xỉa răng dưới ánh sáng ngọn đèn đường, tôi xuống xe và hỏi: “Thưa bác cho hỏi thăm đường…”.
Bác này, tôi đoán là một bác xe ôm, vẫn không ngừng xỉa răng, trả lời tôi một câu mà tôi phải ra hỏi lại người bạn đi cùng mới hiểu: "Hướng dẫn thì 5.000, còn dắt đi thì 15.000". Tôi lại leo lên xe anh bạn và lọ dọ đi tìm đường trong nỗi thất vọng tột độ về tình người.
2.
Tôi có lần đi câu cùng bạn bè ở Cần Đước, Long An. Chúng tôi có hơn chục người, buổi sáng xuất quân cùng hẹn nhau ở một căn nhà của một nông dân trong vùng, nhà Chín Ẩu, để cùng ăn trưa rồi tất cả tản ra khắp vùng buông câu.
Tôi và một người em đi men theo bờ kinh thủy lợi và tìm ra một ổ cá trê có vẻ tiềm năng. Chúng tôi bám lấy ổ cá trê suốt buổi sáng, loay hoay mãi khi ngẩng đầu lên đã thấy trưa đứng bóng, lúc này nhìn quanh không có ai, điện thoại di động thì không có sóng, hai anh em đành lọ mò tìm về căn nhà đã hẹn để ăn trưa.
Tìm mãi chẳng ra vì đường nào cũng như đường nào, nhà nào cũng giống nhà nào. Chúng tôi tấp đại vào một quán lá ven đường hỏi thăm chị chủ quán: "Chị ơi! Làm ơn chỉ giùm nhà ông Chín Ẩu!". Chị chủ quán nhìn tôi mỉm cười, rồi quay mặt vô trong kêu lớn: "Tía ơi! Có người kiếm nhà Chín Ẩu nè!".
Ông già, tía của chị, là một lão nông quắc thước, ở trần phơi làn da đen bóng. Ông có lẽ đang ăn trưa vì thấy miệng vẫn còn nhồm nhoàm nhai cơm, không nói câu nào, ông già ra dẫn chiếc xe máy rồi hất hàm cho tôi: "Chạy theo tui!".
Chúng tôi lẳng lặng chạy theo ông qua mấy ngã rẽ vòng vo, băng qua một cánh đồng thì ông dừng lại, chỉ tay về phía trước: "Đó! Nhà Chín Ẩu ngay mặt lộ, ngói đỏ đó. Thấy hôn?". Tôi dạ dạ cảm ơn thì ông hất tay ra điều: "Đừng khách sáo!", rồi quay đầu xe chạy về.
Lúc ngồi uống rượu với Chín Ẩu, tôi có kể chuyện ông già chỉ đường và có ý cảm kích vì ông đã dẫn đường tới tận nhà. Chín Ẩu cười lớn: "Ha! ha! Dân ở đây làm biếng chỉ đường lắm. Ai ở xa tới mà hỏi đường là lấy xe dẫn tới nhà luôn, khỏi mắc công chỉ!".
3.
Một lần, mới năm kia, tôi cùng một người nữa lái xe hơi đi Chợ Mới, An Giang. Chúng tôi vòng xuống Vĩnh Long chơi rồi mới theo ngã Sa Đéc vòng qua Chợ Mới, chứ không đi theo đường Cao Lãnh, nên tôi không rành đường.
Tới Mỹ Luông vào giữa trưa thì tôi bí đường, đành tấp xe vô lề định bụng kiếm người hỏi. Tôi không để ý rằng xe mình đang dừng gần một con lộ đất nhỏ, phía trong có rất đông người.
Vừa xuống xe chưa kịp vươn vai thì 3-4 người đàn ông mặt đỏ khè, có vẻ đã uống rượu trờ tới hỏi: "Mấy chú kiếm nhà ai?".
Tôi hỏi thăm đường đi Chợ Mới. Người đàn ông lớn tuổi nhất trong nhóm tới vỗ vai tôi: "Dân thành phố xuống hả, cơm nước gì chưa?".
Tôi thiệt tình trả lời: "Dạ chưa! Tính xuống đó kiếm gì ăn!". Vậy là 3-4 người đàn ông nhất quyết áp tải 2 chúng tôi vào nhà: "Đây xuống Chợ Mới còn xa lắm. Trời trưa nắng không ai bán gì đâu. Sẵn nhà có đám giỗ nè, ghé vô làm chén cơm rồi hẵng đi!"….không thể cưỡng được.
Tôi với anh bạn tự nhiên vô làm khách cái đám giỗ đông nghịt người, ở một nhà dân không quen biết ven đường, bây giờ tôi cũng chịu không nhớ tên vị gia chủ nhiệt tình ấy. Chúng tôi được dọn một mâm cơm riêng, được rót riêng một chai rượu trắng đầy và được giới thiệu hết tất cả bà con họ tộc của gia chủ, mỗi người cụng một ly. Mãi đến hơn hai giờ chiều tôi mới đến được Chợ Mới, cũng may nhờ tửu lượng cũng khá nên mới ra khỏi đám giỗ ấy mà vẫn lái xe đi được.
Lần thứ hai quay lại Chợ Mới khoảng 3 tháng sau, tôi định bụng ghé Mỹ Luông kiếm lại căn nhà tốt bụng ấy để ghé vào cảm ơn nhưng mà chịu, không thể tìm ra, định ghé vào hỏi thăm đường thì anh bạn đi cùng cản: "Ghé hỏi thăm, coi chừng bị bắt vô nhậu nữa đó anh ơi!".
KHơ khơ zdui quá, thế mới là dân Việt, còn đám chỉ đường đòi xiền là lai bọn tư bổn giãy chết rồi, nhưng là lai cái cặn bã của nó, lai món bơ thừa sữa cặn ấy.
Trả lờiXóa-Địa chỉ bọn tôi hỏi bác xe ôm để tới: đúng một cái "quẹo".
Trả lờiXóa- Nơi hỏi: Sầm Sơn, Thanh Hóa quê ta.
- Giá cả: đúng 15 000 đ(mười lăm ngàn).
- Thời giá: tháng 10 năm 2005 cơ, chứ bây giờ thì chắc khác rồi.
- Người làm chứng: 01 lái xe và 03 người ngồi cùng trên xe.
Ban tinh cua nguoi dan mien Tay la nhu vay do.Nhiet tinh , khong khach sao.Truoc nam 75 toi da la linh va da co song o mien Tay.Xac nhan cau chuyen anh viet ve chuyen anh o My Luong la hoan toan chinh xac 100%.
Trả lờiXóa