30 tháng 12, 2013

LÁT ĐÁ GIỮA BIỂN TRỜI

TNO - Ngoi lên ngụp xuống suốt 2 ngày đêm vượt sóng gió cấp 7 - cấp 8, cuối cùng trước mũi tàu HQ-571 cũng hiện ra bãi san hô ngờm ngợp sóng trắng. Thiếu tá, thuyền trưởng Phạm Xuân Hải bảo:  “Đảo chìm Đá Lát - điểm đầu chúng ta đến!”...

Đảo Đá Lát cách đảo Trường Sa (Trường Sa Lớn) 14 hải lý về phía tây và cách Cam Ranh 248 hải lý. Nhìn trên bản đồ, đây là đảo gần đất liền nhất trong toàn quần đảo Trường Sa.

Đảo Đá Lát là bãi san hô khép kín, phía trong có một hồ. Khi nước thủy triều lên, bãi Đá Lát nằm chìm trong nước biển, nhưng khi thủy triều xuống, những bãi nhỏ - đá mồ côi nhô lên khỏi mặt nước rất nguy hiểm và chỉ có những tay lái xuồng CQ thiện nghệ của đảo, xuồng chuyển tải của tàu mới dám đi lại.

Đặc biệt, đảo Đá Lát là nơi có nhiều xác tàu đắm nằm trên các bãi cát, nên từ xa bằng mắt thường và ra đa, rất dễ dàng nhận ra đảo, bởi các chấm đen buồng lái - tháp tàu lô nhô xung quanh.

Tết đến từ vị lá dong

Vào với Đá Lát, dịp các đoàn Dân chính đảng nườm nượp ra thăm trong mùa “tháng ba bà già đi biển”, khách khứa ngồi trên xuồng chuyển tải, lạch tạch chạy từ ngoài biển vào đảo, hết thảy đều ồ à reo mừng thích thú khi nhìn đáy nước thấy lửng lơ rong biển, tinh khôi cát trắng và san hô rực rỡ các màu.

Nhưng mùa biển động gần tết này, vào được với Đá Lát là chuyện không hề đơn giản. Loay hoay, thận trọng cả tiếng đồng hồ, tàu HQ-571 mới tìm được vị trí neo thích hợp.

Mãi đến 14 giờ, một số cán bộ Quân chủng, Vùng 4 Hải quân, Lữ đoàn 146 và 6 phóng viên báo chí có kinh nghiệm đi biển, được lựa chọn kỹ càng mới được lên xuồng vào Đá Lát, đồng thời với hoạt động thay - đổi quân, vận chuyển hàng tết, lương thực - thực phẩm cho đảo.

Sóng cao đến 2 m lừng lững theo nhau ập vào mũi xuồng, khiến xuồng tung ngược lên chừng 15 - 20 độ, ai nấy mặt cắt không còn hạt máu nhưng vẫn ngồi im phăng phắc, theo khẩu lệnh của người lái: “Động đậy là chết hết!”. Chỉ khi đi qua mép xanh vào bãi san hô, xuồng chạy cân bằng trong vùng sóng nhỏ, tiếng thở phào mới nhất loạt òa ra từ những gương mặt ướt lướt thướt, chân tay tím ngắt vì ngâm lạnh và vì níu chặt vào chân ghế - thành xuồng.

Cập đảo, nhất loạt bộ đội lội xuống nước, răng đánh cầm cập, môi tím ngắt giữ xuồng.

Ở cái đảo chìm bé tí như mắt muỗi giữa bung biêng trời nước này, phải kể đến 3 đặc trưng: diện tích nhỏ nhất, sách vở nhiều nhất và bãi san hô nhiều “cá mú, nghêu sò ốc hến” nhất.

Lạ! Chả ở điểm đảo chìm nào sách vở nhiều như ở Đá Lát: Tủ sách đóng bằng gỗ thùng đạn ngoài hiên, sát cầu thang hẹp lên xuống; sách xếp đầy tràn phòng, che hết cả những khung tròn - bầu dục - vuông in logo la liệt, biểu tượng của các thể loại quà tặng từ tỉnh thành - bộ ngành mang ra tặng đảo, cứ như thể cái điểm đảo bằng mắt muỗi này là bảo tàng, nơi trưng bày hiện vật; sách xếp tầng trong phòng ngủ, dưới chân giường cá nhân chả đủ một người nằm nghiêng...

Thượng úy Vũ Đức Quỳnh, Chỉ huy trưởng của đảo năm nay phải ở lại trực tết, đôn đáo tiếp đoàn, bàn giao, tiễn người cũ, đón người mới nhưng vẫn không quên dẫn mình ra thăm mấy vườn rau bịt bùng kín mít bằng cả vải ni lông lẫn vỏ thùng đựng thịt hộp, hoa quả hộp và chỉ: “Tết năm nay, chắc không có rau xanh rồi, anh ạ!”. Nhìn vườn rau trơ khấc thùng đất, có chăng còn lại cũng chỉ lưa thưa mấy cọng già, mới thấm thía nỗi sung sướng của anh em, khi tàu chuyển vào cả xuồng, đầy những rau củ quả tươi, vác lá dong và nhất là chú lợn chừng 50 kg, để anh em đảo và hải đăng có một cái tết đầy đủ.

Cậu chiến sĩ tên Nam Hải, đợt này được thay quân về tết, tuy bị í ới gọi ra tàu, vẫn cố nán vác bó lá dong vào bếp cất kỹ, cười rất tươi: “Đây mới thực là tết chú à!” và hấp tấp kể: “Lá dong luộc lên, buộc quanh cột tre, đến ngày gói bánh chưng vẫn giữ được màu xanh và mùi thơm như thường, thích lắm!”.

Nghêu sò ốc hến

Ở Đá Lát, gì thì gì cũng phải nhắc đến chuyện “cá mú, nghêu sò ốc hến”.

Cũng bởi xa xôi, tách biệt lại nằm trên bãi san hô rộng ngút ngát, mỗi khi thủy triều xuống, cả bãi san hô và đá san hô lộ ra, nhô hết lên mặt nước nên các thể loại tôm cá, ốc sò ngu ngơ líu ríu không theo kịp con nước ra biển, cứ tênh hênh nằm ngửa nằm nghiêng nhìn giời và chờ... bộ đội rảnh rỗi, ra bắt cải thiện.

Đừng nghĩ là bộ đội thèm ăn hải sản.

Sống ở biển, giữa bãi san hộ được ví như “vựa hải sản tươi sống”, nhìn hải sản là chán (nhưng vẫn phải cắn răng mà nuốt, bởi nếu không lấy gì mà... ăn), việc đi nhặt ốc chủ yếu để phục vụ khách ra... xin vỏ.

Với Đá Lát, chuyện bị xin là thường, nên cứ ai cất tiếng xin, là lộn ngược ba lô gói cẩn thận tặng khách từng vỏ ốc biển to nhỏ.

Cho hết rồi, lại áy náy sợ đoàn khác đến, xin mà không có để kỷ niệm, nên cứ cuối ngày, giờ được nghỉ đấy nhưng vẫn quần đùi - giày vải, lội xuống biển, chịu san hô cứa vào người sắc như dao cạo, bắt nhặt từng con ốc, mẩu san hô mang về nâng niu đánh rửa, ngâm treo chờ khách ra để biếu tặng - ngẩn ngơ.

Mặn từng lát đá

Ở Đá Lát, đảo nhỏ hơn cả các đảo chìm khác (do xây từ nhà xưa, dạng Nhà lâu bền thế hệ cũ), nên căn bếp bên cửa trái cũng bé tí, cửa hỏng chốt nép sau ụ súng 12 li 7.

Khom người chui vào bếp, một nồi quân dụng vẫn đang lâm râm sôi trên bếp dầu nhỏ lửa khẽ khàng.

Mở vung, khoai tây hầm với bì heo đang lục sục sôi. Cậu chiến sĩ trẻ măng quệt mồ hôi: “Biết tàu ra, chúng cháu nấu nốt mấy củ khoai và ít bì - thịt heo, ăn dè từ tháng trước. Vừa nãy, các anh trên tàu có gửi mấy bao rau củ, thỏa sức... uống nước luộc rau trưa nay!”.

Mân mê túi hạt giống rau trên tay, chiến sĩ ra đa tên Hùng bảo: “Lẽ ra là phải trồng rau khay rồi đấy. Nhưng dịp này, phải huấn luyện căng thẳng, lại tập trung củng cố đảo trước mùa mưa bão, nên không có thời gian!” và nhấp nhổm: “Yên tâm, mấy hôm nữa anh em sẽ tập trung trồng rau và chăm rau. Đừng lo ngoài này bộ đội thiếu rau tươi, ít nhất thì cũng quen với măng hộp - giá đỗ rồi!”...

Nghe anh em nói an ủi thế thôi, chứ mình đã tìm hiểu và biết:

Mùa này biển bắt đầu động, khay rau mầm kê cẩn thận trên giàn giáo mép đảo, để sẵn con dao “thu hoạch”, tận dụng đến từng sợi rễ và khía đều đặn trên mép khay, chia bữa - chia ngày.

Trong vườn rau, những khay xếp thành vườn, để khách đất liền ra ngắm yên tâm, chứ có khi khách chưa ra tới tàu, bộ đội đã lụi hụi bê vào nhà cất che cẩn thận và rau tươi chỉ được chi dùng khi ai đó ốm đau...

Nhiều khách đất liền ra Đá Lát, sau khi đã hỏi han đủ chuyện dưới biển trên trời thường quay sang vặn vẹo: “Sao lại gọi là Đá Lát”.

Bộ đội vốn thật thà, không biết đành cười: “Cháu không biết!” khiến khách quay ra đoán già đoán non: “Chắc đá ở đây có đá, có lát như thể vân gỗ, làm sập gụ - tủ chè?”...

Ít ai biết: Ở điểm đảo chìm nhỏ nhoi nhất quần đảo, từ con ốc kỷ niệm, ngụm nước khát lòng, rễ rau giòn dịu, thành lô cốt dày vững chãi cho đến vụn san hô sắc như dao cạo... hết thảy đều đẫm mồ hôi và có khi là máu của những người lính phòng thủ đảo, những thế hệ công binh cần mẫn đêm ngày.

Mồ hôi đổ xuống từng viên đá, vụn san hô và bạc trắng, mặn chát từng lát đá ở đảo, nên đảo mới được gọi là Đá Lát yêu thương...

Mai Thanh Hải
(Gửi về từ khu vực đảo Đá Lát - Trường Sa, trong hành trình của tàu công tác HQ-571)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét