27 tháng 8, 2013

TRÁCH NHIỆM VỚI ĐỒNG BÀO?..

GM FB - Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết trung thu rồi, mấy bữa nay đi làm về buổi tối thấy nhộn nhịp lắm.

Phố xá tấp nập, rực rỡ trang hoàng những cửa hàng bánh trung thu đủ loại.

Có những hộp bánh cả trăm ngàn, cả triệu bạc mà có lẽ ít người bỏ tiền ra mua để mang về ăn, có chăng là quà cáp biếu xén, gửi gắm đâu đó mà thôi…

Phú quý sinh lễ nghĩa quả chẳng sai, cuộc sống ở thành phố có vẻ đang ngày một đi lên trông thấy.

Nhìn quanh cái tết của trẻ em mà hình như thấy người lớn bận rộn và lo toan nhiều hơn chứ ko thấy niềm háo hức mong chờ ở lũ trẻ.

Nhớ hôm đến nhà anh bạn chơi, cô con gái mới học cấp 2 mà nằng nặc đòi mua cái điện thoại I-phone loại mới ra cả chục triệu, rồi anh bạn cũng tặc lưỡi: “ờ thích Ai phôn thì mua Ai phôn có gì đâu”…

Lên cơ quan mở máy tính ra đọc thấy toàn chuyện ồn ào quanh mấy cuộc thi truyền hình thực tế hay chuyện trăm tỉ, ngàn tỉ bê bối, tham nhũng, thất thoát…

Thấy nặng nề quá!

Hôm rồi đi làm từ thiện cùng mấy người bạn ở một xã vùng cao huyện Bát Xát, Lào Cai, thấy đám trẻ vẫn nhếch nhác lắm.

Có đứa mặc cái quần không thể rách thêm được nữa, ướm cho nó cái quần mới mà nó cứ rụt rè mãi ko dám thử… chẳng hiểu vì sao.

Tặng quần áo cho bọn trẻ xong rồi mới thấy có mấy đứa lùi hụi đi từ trên dốc xuống, mồ hôi mồ kê đầm đìa, mặt đỏ bừng.

Quần áo thì trao hết rồi, sức mọn chẳng mang được nhiều nên đành nhìn các em đến sau đứng nép ở hàng rào, mắt sáng lắm mà cứ chực ngân ngấn nước…

Về Hà Nội lại lên FB phát động 1 chương trình khác, thấy người ấn nút  “like” thì nhiều mà người ủng hộ thì neo lắm…

Xem ra nói vẫn dễ hơn làm dù việc thật nhỏ nhoi!.

Sáng xách xe chạy đi lấy túi đồ của mấy người bạn quyên góp được, rồi mang về nơi tập kết để chuyển đi ngót 600km…

Chỗ đồ ấy không nhiều đâu nhưng cũng đủ vui rồi, vài cuốn sách, mấy bộ quần áo, ít đồ chơi thôi, nếu đến được miền đất núi cao xa ấy, chắc là ý nghĩa lắm!.

Chị bạn gọi điện bảo chuyến này muốn mua mấy chục tấm phản cho lớp học ở vùng cao (giá 400 nghìn đồng một chiếc) mà vẫn chưa quyên góp đủ…

Trộm nghĩ, giá cái số “mất mát” “bỏ túi” cả nghìn Mỹ Kim kia mà trích ra 1 ít nhỉ, chắc đủ mua cả thêm ít tôn để lợp cho lớp học vùng cao không dột ướt mùa mưa này…

3 năm trôi qua sau chuyến đi Mường Tè năm ấy, mà hình ảnh 2 đứa trẻ La Hủ ngồi bên đường vẫn chưa thể nguôi ngoai. Không biết giờ này chúng ra sao, chúng có biết ngày trung thu không nhỉ?..

Năm ấy, mấy anh em phóng viên trẻ rong ruổi xe máy cả ngàn cây số lên tới xã Ka Lăng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.

Trên đoạn đường hơn 40km, từ Đồn Biên phòng vào Trạm Kẻng Mỏ (nơi sông Đà chảy vào nước Việt) đã gặp 2 đứa trẻ người La Hủ nhem nhuốc, trần truồng, run rẩy, ngơ ngác ngồi trông nhau trong căn chòi dựng ven đường.

Bên cạnh chúng là nồi cơm nguội vàng ệch, vón cục, đặt trên mấy thanh củi đã nguội lửa.

Dừng lại chụp ảnh, hỏi han hai đứa trẻ nhưng chúng không hiểu gì mà chỉ mở đôi mắt to đen láy với cái nhìn sợ sệt.

Anh bạn đồng nghiệp động lòng quá, không đứng dậy nổi và cứ tự trách mình sao không mang theo gói bánh, cái kẹo nào cho chúng, đành rút tờ tiền 50.000 đồng ra đưa cho hai đứa nhỏ rồi vội vã quay đi thật nhanh, giấu vội đi đôi mắt sắp ướt...

Đem nỗi trăn trở đó nói với các anh Bộ đội Biên phòng ở Đồn 311 Ka Lăng, các anh bảo: "Với số tiền 50.000 đồng đó, gia đình 5 đến 6 người La Hủ có khi sống được cả tháng!".

Nghe thì khó tin, nhưng sự thật là như vậy.

Với họ, rau ở rừng, nước ở suối, ngô cằn cỗi trên nương, tiền có chăng chỉ để mua ít muối, ít dầu hỏa, ít thuốc đau bụng mà thôi…

Thời gian trước, có người vào FB “góp ý” rằng việc đi miền núi như vậy chỉ để thể hiện vài kỹ thuật chụp ảnh và khẳng định mình đã đặt chân đến nơi nào đó.

Đồng thời cho rằng việc quyên góp quần áo, sách vở cho người dân chỉ là hành động “bố thí”, khi đem cho những thứ mình không dùng được nữa…

Thật buồn! Đất nước vẫn đang trên đà phát triển với nhiều thành tựu đáng mừng, Đảng, Nhà nước vẫn nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp giảm nghèo, giúp người nghèo ấm no, hạnh phúc hơn.

Nhưng có lẽ, những người có thu nhập cao được tính bằng “vé”, bằng “đô”, tiền lương, thưởng bằng cả năm, cả đời làm lụng của những gia đình bình thường… cũng cần có trách nhiệm chia sẻ cho những người còn khó khăn.

Hãy giúp người nghèo không chỉ là bằng tình cảm, sự tự giác, mà hãy trở thành trách nhiệm đối với chính đồng bào mình…
----------------------------
* Nhan đề bài viết do MTH đặt lại, không phải nguyên bản của tác giả

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét