Trên Tuổi trẻ, Phó Giám đốc CA Hải Dương, Đại tá Cao Ngọc Lan đã nói về “một thiện chí”.
Hải Dương đã thiện chí khi lãnh đạo CA tỉnh bay vào TP. HCM làm việc với bà con.
Hải Dương đã thiện chí khi thừa nhận thiếu sót của Cảnh sát Môi trường.
Hải Dương cũng đã thiện chí đông ý trả tiền ngay sau khi ký biên bản bồi thường.
Chỉ có điều, sự thiện chí đó chỉ xuất hiện sau khi đích thân Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang có văn thư yêu cầu CA Hải Dương kiểm tra, báo cáo lại toàn bộ sự việc.
Những ngư dân còn chưa quên: Trong suốt các buổi làm việc trước công điện của Bộ trưởng Trần Đại Quang, phía CA Hải Dương tỏ sự “thiện chí” bằng việc tổ chức họp liên ngành Thủy sản, Quản lý thị trường, Vệ sinh thực phẩm, thậm chí cả…Thú y, để cuối cùng cho rằng: Cảnh sát Môi trường tiếp nhận hàng và xe từ Cảnh sát Giao thông, đưa về để kiểm tra chứ không giữ xe và không giữ hàng.
Sau khi làm việc trong khoảng 2 giờ, đến 1g15 ngày 28/5, CA đã có văn bản trả xe và yêu cầu lái xe đánh hàng quay lại, làm các thủ tục kiểm dịch. “Chúng tôi giao lái xe nhưng lái xe không chịu nhận. Lúc 1g15, CA đã có hai văn bản giao xe, giao hàng, một biên bản yêu cầu lái xe đi kiểm dịch nhưng lái xe không chịu nhận nên việc để hàng hư hỏng là trách nhiệm của lái xe"...
Nhớ trong phiên thảo luận Luật Tiếp dân vừa diễn ra, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương đã kêu gọi nâng cao ý thức trách nhiệm và sự đồng cảm với dân của công chức nhà nước, bởi theo ông “đó là điều người dân mong đợi”.
Xin cảm ơn thiện chí của Bộ trưởng Trần Đại Quang, chính thái độ cương quyết và trách nhiệm của ông đã khiến sự việc được giải quyết bằng một thiện chí, thay cho một vụ kiện cáo tốn giấy mực và tiền của, một vụ kiện cáo mà hẳn nhiên, ngành CA có thắng dân cũng sẽ mất mát rất nhiều về mặt hình ảnh.
Công an Nhân dân cơ mà.
Nhưng sự thiện chí cần được bắt đầu ngay từ những chiến sĩ Cảnh sát, những người hàng ngày va chạm nhiều với dân rất.
Bởi nếu CA Hải Dương có thiện chí ngay từ đầu, khi coi của cải, tài sản của người dân như của người thân, thì đã không để xảy ra tình trạng bạch tuộc hải sản bị phân hủy trong sự vô cảm và thiếu trách nhiệm.
Mọi việc có lẽ còn chưa kết thúc, với một câu hỏi: Ai sẽ phải chịu trách nhiệm trước số tiền 650 triệu để bồi thường?!
Không lẽ, đó lại là từ tiền thuế của những người dân, trong đó có những ngư dân đã hào sảng “giảm giá bồi thường” cho CA Hải Dương?!.
-------------------------------
* Nhan đề bài viết do MTH đặt lại, không phải nguyên bản của tác giả.
* Hình ảnh đã đăng tải trên trang XNA, chỉ có tính minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết.
Trong vụ này, tôi cũng đã tự đặt câu hỏi: nếu không có chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Đại Quang thì sẽ ra sao? Chắc chắn, CA Hải Dương sẽ cùng với nông dân Cần Giờ cùng nhau ra tòa.
Trả lờiXóaNhưng còn một băn khoăn khác, tại sao lại phải "Xin cảm ơn thiện chí của Bộ trưởng Trần Đại Quang"? Rõ ràng thuốc cấp của ông đã "gây hại"cho người dân. Ông không chịu trách nhiệm trước nhân dân ư? Ông đáng được khen bởi ông không vô cảm như thuộc cấp của ông là Giám đốc CA Hải Dương và những người gọi là "thi hành công vụ" của họ. Việc làm của ông không phải là "thiện chí" mà đó là trách nhiệm, nghĩa vụ với người dân. Ông đang "thi hành công vụ".