Mai Thanh Hải - Đền thờ danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm (người dân quen gọi là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm), đặt tại thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng, những ngày Tết này nườm nượp người đến chơi, thắp hương cầu khấn và nhất là các học sinh xin chữ.
Lịch sử còn ghi lại: Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh năm Tân Hợi, năm Hồng Đức thứ 21 đời vua Lê Tháng Tông tại làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay là thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng).
Trạng Trình xuất thân trong gia đình có truyền thống khoa bảng, hồi nhỏ tuổi đã nổi tiếng thần đồng, được bố mẹ hết lòng dạy dỗ, rèn cặp nên năng khiếu thông minh ngày càng bộc lộ.
Dưới thời nhà Mạc, hai kỳ thi vào năm 1529 – 1532 Nguyễn Bỉnh Khiêm không ra ứng thi. Năm 1535, Trạng đổi tên từ Nguyễn Văn Đạt thành Nguyễn Bỉnh Khiêm dự thi Hội ở Văn Miếu Mao Điền (Trấn lỵ Hải Dương) và đỗ đầu (Hội nguyên).
Tiếp đó vào thi Đình ông lại đỗ đầu ba giáp Tiến sĩ đạt danh hiệu Tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh (Trạng nguyên). Với thành tích thi cử ấy, ông được vua Mạc bổ nhiệm chức Đông các hiệu thu, Tả thị lang bộ Hình rồi Đông các Đại học sĩ, Tả thị lang bộ lại.
Tháng 8 năm Nhâm Dần 1542, sau khi dâng sớ chém 18 lộng thần không được vua Mạc chấp thuận, ông treo ấn từ quan về quê mở trường dạy học.
Về quê, ông dựng quán Trung Tân, lập Am Bạch Vân làm trường dạy học, lấy biệt hiệu Bạch Am cư sĩ, sáng tác thơ ca, tập hợp các thi gia sáng tác, xướng hoạ. Am Bạch Vân đã trở thành Trung tâm đào tạo nhân tài của đất nước lúc đó với những tên tuổi còn mãi lưu sử sách: Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Quyện, Đinh Thời Trung, Lương Hữu Khánh…
Kể từ khi ông từ quan đến khi ông qua đời ở tuổi 95 là 43 năm. Trong 43 năm đó, “tiên sinh không tham dự quốc chính nhưng nhà Mạc vẫn kính như bậc thầy”.
Năm 1585 Trạng Trình ốm nặng, vua Mạc cử sứ giả và quan ngự y về thăm hỏi và chạy chữa bệnh. Từ phép biện chứng thô sơ của Dịch kinh và Lý học, Trạng Trình đã thể nghiệm sự đổi thay của hoàn cảnh xã hội giữa sống chết, đầy vơi, lên xuống, danh hư, thăng trầm, thịnh suy… của cuộc đời. Do vậy dân gian tin rằng sấm ký Trạng Trình là những tiên đoán về thời cuộc.
Sau khi Trạng mất, năm 1586 vua Mạc ban cấp cho làng Trung Am ba ngàn quan tiền để lập đền thờ, có gắn biển chính nhà vua đề chữ: Mạc Triều Trạng Nguyên tể tướng từ (Đền thờ quan tể tướng, Trạng nguyên triều Mạc), ban cho địa phương một trăm mẫu ruộng thờ.
Bây giờ, đền thờ Trạng Trình đã trở thành Tổ hợp với nhiều hạng mục nhà cửa, đền đài, vườn tượng, sân ao... và năm 1991, nhân kỷ niệm 500 năm ngày sinh danh nhân tổ chức ở Vĩnh Bảo và Văn miếu Quốc tử giám Hà Nội, Bộ Văn hoá – Thông tin (Bộ VH-TT & DL) đã công nhận đền thờ Trình Quốc Công là Di tích lịch sử - văn hoá quốc gia.
Thế nhưng cái thứ gây phản cảm nhất cho du khách khi đến trước tượng Trạng Trình thắp hương tưởng nhớ, cầu khấn là hình ảnh những "nam thanh nữ tú" co người hoặc bồng bế nhau trèo lên tượng, để chụp ảnh lưu niệm hoặc sờ bút, túm sách của Trạng Trình, hòng tìm sự thành đạt về con chữ, câu văn.
Nhiều cô cậu lớn bé, còn mang cả tiền lên... cọ vào tượng, lấy may dưới sự "yểm trợ" công kênh bồng bế của bộ mẹ - bạn bè, ngay trên đầu hàng chục hàng trăm khách đang chắp tay thắp hương phía dưới và ai cũng tròn xoe mắt, lắc đầu.
Chợt buồn: Tại đây, hàng năm TP. Hải Phòng đều tổ chức long trọng lễ tôn vinh học sinh, sinh viên xuất sắc của đất Cảng, liệu trong số những "nhân tài" có ai từng đạp lên đầu những người khác, leo lên sờ nắn tượng Trạng Trình, bất chấp biển cấm và sự nhắc nhở của bảo vệ bất lực và đám đông la ó phía dưới, như mình đã chứng kiến chiều ngày mồng 2 Tết, năm nay?..
Ước mơ làm quan, đỗ đạt, trưởng thành thì ai cũng có, nhất là những người biết cái chữ và theo sự học. Thế nhưng khao khát làm quan, nhiều chữ mà đến nơi linh thieng nhất là "các cụ", cũng không tha, thì e rằng thứ "quan" đó, không thật - chẳng bền...
Đạp lên cả văn hiến, trèo lên cả văn hóa và tín ngưỡng theo kiểu: "Gần Đền gọi Trạng bằng anh" thế này, chả trách Hải Phòng ngày càng hiếm người tài, ai muốn phát triển phải bỏ xứ làm ăn xa và đất Cảng, luôn có những chuyện động giời, ngay đến cuối năm còn bắt bớ, đánh đấm nội bộ...
------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Xem những bức hình có nam thanh nữ tú đứng bên tượng trạng trình thật là vô văn hóa, bảo sao những thế hệ sau này càng lụi bại
Trả lờiXóaThế thì nó mới "xứng đáng" với truyền thống "dân chủ" kiểu Việt nam mà rất nhiều, rất nhiều quý ông/bà mũ cao áo dài từng xưng tụng.
Trả lờiXóaEm thử nhắc lại đôi câu, đôi tích nhé:
- Gần chùa gọi Bụt bằng anh.
- Lỡm cả bà Chúa Liễu Hạnh ( Trạng Quỳnh): Tiền múa Chúa cười...
- Bụt chùa nhà không thiêng...
Gần đây, "tụi nhóc" còn có mấy câu khái quát mới: Yêu thiên nhiên (kiểu Việt nam) như lâm tặc yêu rừng cấm.
Rồi cái sự đạp lên đầu nhau đi cầu may ở Đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh). Đạp lên đầu nhau dẫm lên cổ nhau đi cầu Phúc ở Đền Trần. Chen lấn xô đẩy nhau ở Phủ Tây Hồ. Nhiều khôn kể xiết.
Thật kì quặc cho cái niềm tin vừa ngây thơ vừa... thô lậu của người Việt. Tôn giáo chân chính không bao giờ dạy người ta lối hành xử quái lạ như vậy. Đó thực sự chỉ là niềm tin mù quáng cực kì lăng nhăng, một thứ tín ngưỡng tầm thường, nông cạn, hời hợt rất đáng lên án, rất cần loại bỏ.
Đây là những hình ảnh hoàn toàn rất đúng với quan niệm của Tiến Đặng: muốn trẻ em ngoan thì người lớn hãy bớt hư đi. Hỡi người lớn,hãy biết sống sao cho ra người lớn, người trưởng thành về nhân cách.
Trả lờiXóa