1 tháng 1, 2013

SẮC MÀU BIÊN CƯƠNG


Mai Thanh Hải - Khái niệm Biên giới, với mình là kỷ niệm về những xa xôi, thăm thẳm và gian khó đến không thể tưởng tượng nổi, mà mình đã may mắn được đặt chân đến, với những đồng đội mang quân hàm xanh, từ những thủa còn đi bộ, gùi cõng cả ngày đường mới tới được mái nhà tranh, bên trên phần phật cờ đỏ sao vàng, bộ đội gọi là Đồn - Trạm, rồi nằm vật ra, thở hắt như sắp chết...

Thiếu thốn lắm lắm: Từ giọt nước, hạt gạo, nắm muối ăn, mảnh chăn ấm cho đến những sự thèm khát rất đời thường: Vòng eo con gái, tiếng nói đồng hương, giọng trẻ bi bô, môi cười chia sẻ... nhưng vẫn trung trinh bám bản, giữ mốc từ khái niệm "Tổ Công tác Biên phòng", vài đứa chụm đầu ăn ngủ dưới mái bạt, lều tranh, quanh năm gió lùa hun hút, buốt lộng óc.

Gian khổ lắm lắm: Quân trang được cấp phát không chống nổi cái rét ùa ra từ lòng núi đá, đi ngủ mặc nguyên áo bông ngoài 5-6 lớp quần áo, mũ bông Biên phòng bịt kín tai, mấy đứa co ro nằm úp thìa, chất 3-4 cái chăn vẫn run cầm cập... nhưng mỗi chuyến xuống địa bàn, vẫn lụi hụi gấp theo tấm chăn, cởi chiếc áo bông nhường cho người già - trẻ nhỏ đang tím tái chờ hơi ấm nhịn nhường.

Ý tưởng về Chương trình "Áo ấm biên cương" hình thành trong đầu mình, khi dịp gần Tết 2011, đi công tác trên APaChai (Mường Nhé, Điện Biên), đón Noel ngay vùng đất Ngã ba Đông Dương, ngồi bên bếp lửa trong bếp ăn Đồn Biên phòng 405, run cầm cập tránh rét, thấy Trung tá Trìu - Đồn trưởng sùm sụp mũ lên, hỏi mới biết: "Mũ bịt tai và áo bông dài, quân trang riêng biệt của Biên phòng miền núi, cả Đồn không còn chiếc nào, bởi anh em nhường cho dân hết!".

Lên Cao Bằng, ngồi với Đại tá Phùng Quốc Tuấn, Phó Chính ủy BĐBP Cao Bằng, thấy anh Tuấn cứ thở dài: "Vừa mới ký điện gửi các Đồn, nhắc anh em nhường chăn đệm, quần áo bông cho đồng bào, trên ấy đang rét lắm" và kể: Cứ mùa rét buốt, đồng bào lại kéo đến cổng Đồn Biên phòng, kêu "Đồn ơi! Rét lắm!"...

Và thế là Áo ấm biên cương chính thức ra đời, với những thành viên tình nguyện "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng", vừa lăn lóc với "miếng cơm manh áo" thường nhật, vừa dành chút thời gian còn lại để sẻ chia, vận động và góp từ đồng tiền, chút sức để có những manh áo ấm, đôi ủng, tấm chăn, chiếc gối, thực phẩm cho lũ trẻ lít nhít vùng cao, góp sức cùng đồng đội Biên phòng giữ canh cột mốc.

Một năm vất vả, tất bật với những người nặng tình với Áo ấm biên cương và bắt đầu 1 năm mới, chắc chắn sẽ vất vả - tất bật hơn nữa bởi Chương trình đã đi vào quy mô, cần triển khai nhiều hơn nữa ở rất nhiều địa bàn biên cương Tổ quốc.

Xin gửi tặng mọi người sắc màu biên cương, trên những vùng mà chúng mình đã - đang và sẽ đến.

Chúc mừng năm mới 2013 và rất mong mọi tấm lòng, đồng hành cùng chúng mình: Áo ấm Biên cương
*****

* Bài viết có sử dụng một số hình ảnh đăng trên trang xomnhiepanh.com và một số mạng xã hội khác.

4 nhận xét:

  1. Đẹp quá Mai Thanh Hải ơi! Anh đã cho tôi những giây phút tuyệt vời của thiên nhiên một vùng biên viễn qua chùm ảnh rất ấn tượng này. Xin cảm ơn anh!

    Trả lờiXóa
  2. Đẹp quá Anh Hải ơi! nhờ anh em mới biết các cảnh đẹp biên cương và cũng biết các sự cơ cực của những người lính, bà con vùng biên. Cám ơn Anh Mai Thanh Hải!

    Trả lờiXóa
  3. Anh Hai,

    nhin nhung buc hinh cua anh, toi nho ve tuoi tho cua toi qua. goi anh bai tho toi lam trong luc nho nha khi dang hop noi so lam.

    chuc vui ve.

    TT

    Hoài Niệm Trong Phòng Hợp



    Nhớ ngày xưa
    Những ngày chăn bò bên rừng cây rợp lá
    Nghe tiếng con chim sa sả
    Hót vang trời trên những ngọn thò đo,

    Ngày đó ta còn thơ
    Cởi trên lưng bò để khỏi đạp gai mắc cỡ
    Ngắm lũ chim sơn ca bay vút lên tận trời xanh
    Rồi buông mình lao xuống trong nắng sớm long lanh

    ôi ta nhớ ngày đó,
    Trước mắt ta mỗi ngày chỉ có hoa với cỏ
    Vài chú cá lòng tong vẫy vùng trong dòng suối nhỏ
    Cùng lũ bò con tìm ta bầu bạn sau cữ sữa no say

    Sao ta nhớ ngày xưa thơ mộng ấy lắm thay,
    Mỗi bữa ăn chỉ mơ có được một phần cơm cháy,
    để không phải ăn nhiều những sắn độn với khoai,
    để được nhai hoài những hạt gạo tinh túy của đất trơì,
    Và mơ đến ngày mai.


    Cái ngày mai ấy mà ta đang sống hôm nay
    Sữa, trứng, thịt, rau, tôm, cá đầy đủ mỗi ngày
    Nỗi thèm cơm trắng từ lâu đã là dĩ vãng
    Nay lại được thay vào bằng một nỗi nhớ khác,
    Không kém rứt ray.

    Phải chăng cuộc sống của ta hôm nay
    Là chuỗi tiếp theo của những ngày thơ dai ấy
    để ta giờ này ngồi trong phòng hợp chán ngấy
    Ngẫm nghĩ những lời phật dạy
    Rằng cuộc đời tựa một chiếc vòng xoay.

    Nước sẽ đổ vào những nơi trũng nhất,
    Tình sẽ nhạt phai dần khi nó đã đầy vung,
    Sông sẽ ngừng trôi khi đã trôi đến điểm tận cùng
    Rồi nước sẽ bốc hơi để trở về nơi xuất phát.

    Len lỏi trong ta hôm nay là một nỗi buồn man mát
    Một mong muốn tìm về để sống lại những ngày xưa
    được cỡi trên lưng bò mà đi dưới những cơn mưa
    được nghe chim sa sả hót vang lời gọi bạn
    khi trời vừa tạnh raó


    Nhưng có lẽ những ngày xưa mà ta vẫn còn đau đaú
    Chỉ còn tồn tại trong những cơn mộng ảo
    Chứ làm gì còn có để cho ta tìm về
    Đón chào ta sẽ chỉ có những não nề
    Những kỷ xưa hoang phế, những niệm cũ tàn điêu
    Vì con chim nhỏ ngày xưa chắc đã bỏ mình không một tiếng kêu,
    trên bàn nhậu, từ rất lâu.

    Những cỏ, những hoa, những tàn cây mà ta hằng yêu dấu,
    Cùng những con cá lòng tong xưa, giờ ai biết đã trôi giạt về đâu?
    Ta chợt giật mình như vừa tỉnh dậy sau một giấc ngủ sâu
    Lại chăm chỉ lắng nghe
    Lại cắm đầu viết lách
    Trong phòng hợp chán ngắt với những giọng nói ì ạch
    Xen lẫn với tiếng lao xao

    Vâng ta phải lao động bây giờ để hy vọng cho một ngày sau
    Cái ngày mà ta sẽ lại ngồi để nhớ về những chuyện hôm nay
    Phật tổ ơi, ngài đã đúng.
    Đời qủa thật tuần hoàn như một chiếc vòng xoay.

    Boston 12/11/2012

    TT

    Trả lờiXóa
  4. Đêm nằm nghe gió bấc
    Thổi từng cơn não nề
    Thương người nơi biên giới
    Đón xuân sang kịp về...

    Trả lờiXóa