29 tháng 5, 2012

"CƠM CÓ THỊT" GỬI LỜI CHÀO NĂM HỌC CŨ

Phạm Ngọc Tiến - Hôm rồi, Đoàn Minh Khôi đến nhà mang theo chai mật ong, túi mận xanh và cân chè mộc.

Khôi trịnh trọng chỉ từng món: "Mật ong cô Thắm ở Y Tý gửi tặng; Chè cô Phương hiệu trưởng Mầm non Tả Thàng tự tay hái và sao; Mận bứt ở vườn nhà cô Vân trường Quan Thần Sán... Đều là gửi đích danh đấy nhé!". Mình nhận từng thứ, cảm ơn!.

"Của một đồng công một nén" - Mấy thứ quà miền núi dân dã này được mang về sau chuyến công tác quyết toán kết thúc năm học của chương trình "Cơm thịt" với những điểm trường đã đầu tư khiến mình thấy thích thú và tự hào.

Thích chứ, tự hào chứ!. Phải thế nào mới được tặng quà thế này!.

Chí ít thì mình cũng tham gia nhiều chuyến đi, đến nhiều điểm trường, được các cô giáo biết mặt, biết tên, yêu mến qua việc làm cơm thịt thế nên mới có vụ quà cáp “biếu xén” độc đáo này chứ!.

Thực tình những món quà ngoài sự tự hào thích thú là niềm cảm động.

Không cảm động sao được, khi những chuyến đi trong chương trình đã cho mình biết đến những vùng đất, những con người mà trong trí tưởng chẳng bao giờ mình có thể hình dung nổi.

Những địa danh, những gương mặt thày cô, học trò giờ đây đã trở nên thân quen. Chuyến đi có thể gọi là cuối cùng của năm học này rất tiếc mình không thể đi được. Suốt thời gian qua mình dành nhiều thời gian đi cơm thịt nên công việc ụn lại khá nhiều, phải tập trung để giải quyết. Nghề viết cứ ngưng lại là rất khó bắt nhịp và khi bắt lại cũng cần phải có thời gian để phục hồi cảm hứng.

Đoàn Minh Khôi, thành viên chủ chốt của chương trình thay mặt "Cơm thịt" chỉ huy chuyến đi. Lẽ ra ông Trần Đăng Tuấn phải xuất tướng chuyến này nhưng cũng kẹt không đi được.

Thời gian quá gấp gáp nếu chậm lại các trường sẽ vào vụ nghỉ hè. Nhiệm vụ của chuyến đi là đến các điểm trường cơm thịt đã đầu tư để quyết toán cả năm học.

Cùng đi với Khôi có Nguyễn Việt Hùng, người đã nhiệt tình tham gia chương trình bằng chiếc xe Everest của cá nhân. Thêm mấy người bạn là những người đã tài trợ trực tiếp bằng những chuyến hàng phụ trợ trước đó tranh thủ kết hợp khảo sát cho những dự định tài trợ sau này.

Công việc quyết toán là việc bắt buộc được đề ra từ đầu theo tiêu chí của chương trình.

Có thể hình dung công đoạn thế này: Khi khảo sát đầu tư, chương trình phải nắm rõ số học sinh cụ thể đến từng độ tuổi, thực trạng từng điểm trường kể cả những điểm trường cắm bản. Khi đạt yêu cầu để chương trình đầu tư cơm thịt, hai bên sẽ ký cam kết.

Điều kiện của "Cơm thịt" rất đơn giản, phải nổi lửa nấu cơm cho trẻ. Cơm phải có thịt. Từng đồng chuyển đến phải được hạch toán, ghi chép, biên nhận từ hiệu trưởng đến cô giáo phụ trách lớp, phụ huynh học sinh và được chính quyền địa phương xác nhận.

Phía chương trình đảm bảo trang bị đúng tình hình thực tế các thiết bị phục vụ cho bếp ăn và sinh hoạt của học sinh và gửi  tiền thông qua tài khoản từ hai phía.

Hàng tuần, các điểm trường ở các bản làm báo cáo gửi về trường.

Hàng tháng các trường được đầu tư phải làm báo cáo hạch toán gửi về để chương trình tập hợp số liệu.

Khi kết thúc năm học sẽ quyết toán tổng thể, phân mình từng khoản.

Số tiền còn thừa sẽ được chuyển sang niên học mới.

Thú thật, cũng là thành viên "Cơm thịt" nhưng những khoản này mình thậm ú ớ.

Thế nên mới kính phục Đoàn Minh Khôi. Một mình tay này, ghi ghi chép chép, sổ sổ sách sách rành mạch từng ly từng tý. Nói không ngoa đầu óc tay này hệt như cái máy tính. Vanh vách tên tuổi từng thày cô, số điện thoại, nhớ không sót một điểm trường, thậm chí những con số về học sinh, về độ tuổi, về tiền đầu tư như là nằm sẵn trong não, cần gì là bật ngay ra được.

Có một chuyện thế này, Khôi nắm rõ từng tháng có bao nhiêu ngày học. Trong một báo cáo hạch toán tháng ở một điểm trường vượt số ngày so với các điểm trường khác. Vậy là vặn vẹo truy tìm và kết quả là cái trường kia phải giải trình lại cho đúng.

Mình cười nói đùa: "Ông kỹ thế, không cho người ta thở à?". Không ngờ Khôi đanh mặt nói như dằn hắt: "Anh bảo không kỹ thế, thất thoát rơi vãi đồng nào mình có tội đồng ấy với những người đóng góp?". Nghiêm trọng đến mức từ đấy mình không dám đùa những việc tương tự như thế nữa.

Chuyến đi kết thúc năm học, đoàn của Khôi hành trình đến tận 9 ngày, quyết toán toàn bộ các trường trên địa bàn Lào Cai. Một hành trình dài đến gần 2.000 cây số.

Đến đâu, các thày cô cũng tíu tít gọi về qua máy của Khôi cho mình. Nơi này là trách móc: "Sao chú hứa mà không đến trường cháu chuyến này?". Nơi kia là ríu rít thông báo: "Chú Tiến ơi, có giảo cổ lam rồi đấy?".

Chi tiết này khiến mình phát khóc. Các cô đi hái cây giảo cổ lam mọc hoang ở núi mang về phơi khô để dành cho mình chữa bệnh khi biết loại cây này rất tốt cho người bệnh tiểu đường. Chả là vì các cô biết mình mắc bệnh đó...

Cứ như thế, dù không có mặt nhưng hành trình của chuyến đi mình luôn như đang đồng hành với đoàn. Thật hạnh phúc...


Mình bồi hồi nhớ lại những chuyến đi. Y Tý mùa đông ảo mờ sương khói, lạnh đến thấu xương, phải đốt củi để sưởi.

Cô Thắm là Hiệu trưởng, rất trẻ. Cùng với chồng là giáo viên Tiểu học, cô cắm chốt tại nơi biên ải xa xôi. Có một đứa con phải gửi gia đình ở thị trấn Bát Xát cách Y Tý đến 7 chục cây số đường núi.

Mỗi thứ Bảy vợ chồng cô lại đèo nhau xe máy về nhà thăm con để rồi chiều Chủ nhật lại tất tả trở lại trường. Gặp lần nào cô cũng xoắn xít: "Chú ơi, bao giờ các chú lại lên với chúng cháu?".

Mà chẳng riêng vợ chồng cô Thắm, tất cả giáo viên ở nơi đây đều có những hoàn cảnh tương đồng, cũng tình cảm như thế.

Mình nhớ cái thung lũng sâu hun hút bên dưới cổng trường Tả Thàng. Nắng rờ rỡ, nhà cửa hiện ra mồn một đẹp như tranh vẽ bỗng giây phút đã lấp kín mây mù. Cô giáo Phương Hiệu trưởng, mình chỉ được gặp trong chốc lát nhưng chuyện trò cứ như đã thân quen từ bao giờ. Phương bảo: "Cơm thịt đến thế này, chúng cháu mừng lắm!". Rồi cô tha thiết mời hôm nào đó của chuyến sau đoàn ở lại với Tả Thàng một hôm.

Bao nhiêu ký ức của những chuyến đi rong ruổi chốc lát ập về. Mình cảm ơn "Cơm thịt" đã cho mình những kỷ niệm thật ý nghĩa...

Chuyến đi vừa rồi có thể nói là chuyến sau cùng của Chương trình "Cơm thịt" kết thúc năm học.

Khởi đầu cuối tháng 9/2011 từ Suối Giàng với 125 học sinh nội trú của Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở được thụ hưởng "Cơm thịt" từ chương trình, rất nhanh chóng trong 8 tháng kế tiếp hệ thống các Trường được "phủ thịt" đã lan ra đến các xã vùng cao biên giới và đặc biệt khó khăn của 4 tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Điện Biên, Hà Giang.

Sau Lao Chải và Nậm Khắt là 2 điểm Trường được tiếp tục đầu tư cho học sinh Tiểu học nội trú (107 cháu), Chương trình xác định sẽ tập trung vào tổ chức bữa "Cơm có thịt" cho trẻ Mầm non.

Đây là các cháu học bán trú, phải tự túc bữa ăn trưa tại trường rất kham khổ, không có bếp nấu.

Chủ trương được nhanh chóng thực hiện. Cho đến thời điểm kết thúc năm học này, 3.371 cháu Mẫu giáo tại 187 điểm trường ở 28 trường thuộc 26 xã (có xã biên giới rộng phải thành lập 2 trường) đã được ăn cơm có thịt.

Các bếp đã đỏ lửa ở tất cả các điểm trường này mang lại niềm vui cho trẻ, cho thày cô, cho phụ huynh, cho chính quyền địa phương. Có "Cơm thịt", học sinh đi học đông hơn đều hơn, mọi chỉ số đều tăng.

Nhưng chỉ số niềm tin là điều quan trọng nhất.

Trẻ đã tin yêu gắn bó với trường lớp không bỏ học.

Tính riêng điều ấy đã đủ ấm lòng.

Cộng con số của mấy trường Suối Giàng, Lao Chải, Nậm Khắt, Chương trình đã mang "Cơm thịt" đến 3.619 học sinh.

Nếu tính cả 1.411 học sinh Tiểu học, Trung học cơ sở ở toàn bộ 15 Trường trong toàn huyện Văn Chấn, Yên Bái do "Quỹ Thiện Tâm" đài thọ, thì số học sinh từ ngày chương trình khởi động là một con số không nhỏ: 5.030 cháu.

Viết đến đây, mình băn khoăn một chút.:Có nên kể chi tiết thế này không?. Ai đó không thông cảm lại bảo mới có thế đã kể lể...

Nhưng rồi, mình gạt đi ngay sự vân vi ấy.

Những con số này, những kết quả này, cả những bản quyết toán kết thúc năm học, những đồng tiền trong tài khoản nhất thiết phải công bố.

Đó là sự minh bạch là kết quả là công sức của biết bao nhiêu người trên khắp đất nước và cả đồng bào Việt ở nước ngoài đã chung tay góp sức cùng những người làm chương trình.

Ngoài "Cơm thịt", tại tất cả các điểm trường đều được đầu tư nhiều vật dụng dành cho bếp ăn như bát đĩa xoong nồi rồi những tiện nghi sinh hoạt như chăn đắp, thảm trải, phản nằm, gối, áo ấm

Những vật dụng này khó mà liệt kê hết được.

Có thể là một căn bếp cho trường Lao Chải, Nậm Khắt. Lại có thể là cả hệ thống bồn chứa nước inox vài chục chiếc cho những điểm trường ở Điện Biên, cả những thứ coi là vặt vãnh như tủ thuốc, cây kim sợi chỉ cho rất nhiều điểm trường và vô vàn những thứ khác.

Tất cả đều cho mục tiêu cải thiện đời sống sinh hoạt của trẻ.

Thống kê trong 8 tháng vừa rồi, Chương trình đã trang bị cho học sinh các điểm trường "phủ thịt" và các trường khác 7.500 áo ấm mới, 3.000 quần áo đã qua sử dụng, gần ngàn chiếc chăn, rất nhiều ủng, gối, giày dép…- Những con số biết nói.

Chào năm học cũ. Tạm biệt. Tạm biệt. Hẹn gặp các con ở năm học mới.

Một năm học đã kết thúc. Chưa thể trọn vẹn vì Chương trình "Cơm thịt" khởi động khi năm học đã bắt đầu.

Nhưng những gì còn khiêm tốn của năm học đầu tiên này, đã đủ để khẳng định sự có mặt của Chương trình mang lại những dấu ấn tích cực cho những nơi là đối tượng thụ hưởng.

Vẫn chưa nhiều nhưng đã có những đứa trẻ chăm chỉ đến trường, có bát cơm thịt, có manh áo ấm đỡ đi cái lạnh mùa đông xuyên thấu.

Và điều này nữa: Chương trình đã tập hợp lại được những tấm lòng đồng bào kết lại thành tình người, tình đời đến với những đứa trẻ vùng cao còn nghèo khó...

Đoàn Minh Khôi hào hứng kể lại chuyến đi. Đôi khi Khôi không giấu được những bức xúc từ một vài tồn đọng khiếm khuyết của chương trình của điểm này, trường nọ...

Mình cùng Khôi uống hết một ấm trà từ chính món quà mang về từ miền núi.

Chát, đậm không hương thơm như những thứ trà cao cấp khác nhưng mình thấy ngon ngọt vô chừng.

Nhìn khuôn mặt nhiều cung bậc trạng thái của Khôi mình chợt ớ ra: Từ bao giờ bọn mình đã trở nên gắn bó thân thiết?.

Mình nghĩ đến Trần Đăng Tuấn, đến Thùy Linh, đến những người đã kề vai sát cánh cùng mình từ ngày đầu, từ trong những chuyến đi "Cơm thịt".

Một chặng đường kể như vừa kết thúc. Những khuôn mặt giờ đã trở nên thân thuộc yêu quý. Mình biết họ vừa cùng mình bước qua một chặng đường đầu, có vất vả, có chịu đựng nhưng ngập tràn niềm vui tươi hạnh phúc.

Và nữa, mình nghĩ đến những người  chưa hề gặp mặt trên đời, chỉ biết nhau qua trang Blog, thậm chí chưa cả điều đó - Những người âm thầm mang tấm tình, công sức, tiền bạc chung tay góp vào "Cơm thịt".

Tất cả như cùng đồng thanh cất lời chào năm học cũ.: Tạm biệt các thày cô, tạm biệt các con. Tạm biệt biên cương Tổ quốc, tạm biệt vùng cao. Một năm học vừa kết thúc.

Và một năm học mới sẽ bắt đầu. Bắt đầu.

Chúc tất cả đủ niềm tin, tình yêu, sức khỏe, nghị lực để vững vàng đến với một năm học mới.

Đến với những điều tốt đẹp nhất!..

Hà Nội 28/5/201
-----------------------------------------------
* Hình nahr minh họa, được ghi lại từ các chuyến thành viên "Cơm có thịt" lên với vùng cao của các tỉnh biên giới phía Bắc.

3 nhận xét:

  1. Một năm học đã qua; kết quả chắc chắn tốt hơn nhiều so với các năm trước nhờ có sự đóng góp của "Cơm có thịt", thể hiện ngay từ việc các con đi học đông, đều, vui, khỏe, phấn khởi... đến các chỉ số kết quả. Thật khâm phục anh chị tổ chức chương trình này và chúc chương trình có những bước tiến mới, vượt bậc trong năm học tới. Tại mhiều vùng khác ở Tây Nguyên, Tây Nghệ Tĩnh và Đồng bằng Sông Cửu Long cũng đã xuất hiện một số cá nhân định làm như Cơm Thịt. Thật là may mắn cho tổ quốc và thế hệ mầm non nước ta quá.

    Trả lờiXóa
  2. Nhưng cũng lưu ý đến "Bệnh thành tích" của các chỉ số kết quả nhé...

    Trả lờiXóa
  3. Em nghĩ với chất bài và số đọc giả tốt
    anh Hải nên post bài ở mạng xã hội FanBox
    vì khi anh viết blog trên đó và thu hút được nhiều đọc giả
    anh sẽ được họ chia sẻ lợi nhuận ,em nghĩ mang số tiền ít ỏi đó
    mang đi làm từ thiện thì sẽ tốt hơn cho các em
    Chứ hiện nay các nguồn chủ yếu từ sự quyên góp của mọi người

    Trả lờiXóa