10 tháng 4, 2012

SINH TỒN ĐÔNG KHÔNG BAO GIỜ SAY NGỦ.

Mai Thanh Hải - Đến Sinh Tồn Đông lúc ban trưa, nhìn từ tàu vào thấy đảo chon von bên mép nước và hực lên trong nắng chói.

Thả neo tàu cho bộ phận mặt boong lẻng xẻng thả neo, hạ xuống chuyển tải, đã thấy nhiều thành viên trong Đoàn Công tác lục tục thức dậy, buộc chặt dép nhựa, thắt chặt miệng túi bảo quản, chờ lúc gọi tên xuống xuồng vào đảo.

Lại lạch tạch cả cây số trên biển, giữa nắng gió và mênh mông trời nước để vào với đảo yêu thương, đầy ắp bóng áo trắng bộ đội Hải quân mong ngóng rìa đảo.

Ừ! Tính ra đã 5 tháng nay, đảo chưa có khách đến thăm. Với phụ nữ thì tròn 1 năm, toàn đảo chưa được ngắm nhìn, nghe nói nên hảo hức, chờ đợi đến quên ngủ trưa, cũng là điều bình thường.

Mình đã từng ra Sinh Tồn Đông từ mấy năm trước, nên cũng biết tí ti về đảo. Đại thể: Đảo Sinh Tồn Đông nằm ở khu vực phía Bắc quần đảo Trường Sa, cách đảo Sinh Tồn khoảng 15 hải lý về phía Đông.
Sinh Tồn Đông

Đảo chạy dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam và nằm trên 1 nền san hô ngập nước.

Rìa ngoài của nền san hô ngập nước này cách bờ đảo từ 300 - 600m.

Đảo có chiều dài khoảng 160m, chiều rộng khoảng 60m.

Xung quanh đảo có bờ cát rộng từ 5 - 10m, phía 2 đầu của đảo đều có doi cát.

Doi cát phía Đông Nam dài hơn doi cát phía Tây Tây Bắc và có kích thước khoảng 140 x 45m, cả 2 doi cát này thường di chuyển theo mùa sóng gió.

Đất trên đảo là cát san hô nên hầu như không trồng được cây ăn quả, rau xanh mà chỉ phù hợp với các loại cây nước lợ như mù u, phong ba, phi lao, rau muống biển, cây bàng quả vuông, cây bão táp. Đất ở đảo, qua cải tạo có thể trồng được rau xanh.
Quả sai lúc lỉu trên cây bàng vuông

Giống như nhiều đảo cấp 3 khác trên quần đảo Trường Sa, đảo không có nước ngọt nên mọi thứ sinh hoạt liên quan đến nước, đều nhờ vào công tác dự trữ.

Bé tí và thiếu thốn của đảo chả là gì so với những sự rình rập của tàu thuyền Trung Quốc trong khu vực và xung quanh đảo.

Anh em bộ đội ngoài đảo, có lẽ không tham gia ngành... Ngoại giao nên rất rành mạch chỉ thẳng "bọn rình rập là Trung Quốc" chứ không uốn éo "nước ngoài, đối phương, tàu lạ" như trong đất liền và bảo: "Là đảo nhỏ cấp 3, cạnh các đảo Gạc Ma, Huy Gơ, Vành Khăn do Trung Quốc chiếm đóng trái phép, đảo Sinh Tồn Đông có một vị trí chiến lược hết sức đặc biệt và là một trong những đảo tiền tiêu của Tổ quốc".

Sau Lễ chào cờ theo Điều lệnh, trong khi Đoàn công tác chia nhau, người đi làm việc với chỉ huy đảo, người thăm hỏi đời sống bộ đội, người giao lưu - hát hò với cán bộ chiến sĩ... mình tót ngay lên Đài quan sát, bởi thấy trên này, cậu chiến sĩ trực gác không thi thoảng len lén, tranh thủ cúi xuống nhìn khách, ngắm chị em như ở một số đảo khác, mà cứ cúi gằm dán mắt vào chiếc ống nhòm to đùng, hướng ra phía biển.
Theo dõi sát sao tàu Trung Quốc

Cậu chiến sĩ trực gác quê Thái Bình, mồm nói chuyện với mình nhưng mắt vẫn dán chặt vào ống nhòm.

Mình giương máy ảnh, kéo room theo hướng và thấy rõ mồn một chiếc tàu cá dài dài bẩn bẩn rất đặc trưng của Trung Quốc, hùng hục kéo theo sau cả chục chiếc thuyền con, với đám người trần trùng trục, đầu cắt cua trên boong.

"Cái tàu to bọn em gọi là tàu mẹ. Nó chở cả chục cái thuyền trong bụng, đến chỗ đánh bắt là dừng lại, thả cho bọn tàu con ùa xuống, tỏa ra đánh bắt, cuối ngày lại chui vào tàu mẹ và cõng nhau đến điểm khác" - Chiến sĩ trực gác bảo vậy và đanh mặt: "Bọn này ngang ngược và nham hiểm lắm nên phải theo dõi sát!".

Đứng trên đài quan sát, mình không chỉ nhìn thấy bọn "tàu mẹ, tàu con" tham lam, hiểm độc mà còn thấy cả cái nhà to chình ình của Trung Quốc trên bãi ngầm Huy Gơ mà chúng đã chiếm giữ từ năm 1988.
Căn cứ của lính Trung Quốc trên bãi Huy Gơ

Điểm đóng quân của chúng, to gấp chục lần so với nhà của bộ đội ta đang ở, trên các đảo chìm và còn có cả sân đỗ cho máy bay trực thăng.

Nhìn khối nhà bê tông chình ình, ngang ngược của chúng, mắt muốn nổ tung.

"Bọn này nhiều trò bẩn lắm, lơ là mất cảnh giác là bị cắn trộm ngay" - Ai đó trong Đoàn công tác nhắc vậy, khiến anh em chiến sĩ cười hiền: "Ở đảo tiền tiêu này, chúng em không được phép ngủ say, dù ban ngày hay ban đêm!".

Ừ!. Cố gắng lên các em nhé!. Các em căng mắt thức để toàn quần đảo, toàn đất liền được ngủ yên - Điều này, hình như chỉ những người ra với Trường Sa, đến với Sinh Tồn Đông thấu hiểu một cách thực sự.

Cũng như, có ở lại với Sinh Tồn Đông thì mới không hồn nhiên hít hà như mấy em văn công đi nửa bước đã say sóng nằm vật "khói hương nghi ngút", thấy buổi chiều chim biển đậu kín hàng cọc quanh đảo là: "Đẹp quá! Tuyệt quá". Bởi hàng cọc đó được dựng lên không chỉ bằng mồ hôi, công sức mà còn bằng cả máu của những người lính đảo, để vừa chống quân đổ bộ, vừa làm chỗ đậu cho chim.
Cọc chắn sóng - chống đổ bộ - nuôi chim và... bia tập bắn

Những người lính Trường Sa, mỗi khi đến Sinh Tồn Đông, buổi chiều thường kéo nhau ra mép đảo ngắm hoàng hôn, chim biển lượn về chấp chới và kể lại:

Ngay từ khi quân ta ra đóng giữ ở đảo Sinh Tồn Đông (17/3/1978), nhận thấy địa hình, khí hậu ở đây khá phức tạp, Tướng Nguyễn Chơn - khi đó là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã có ý tưởng xây dựng hàng cọc chắn sóng quanh mép đảo để bảo vệ, phía trên là những khay cát cho đàn chim làm tổ.

Trải qua bao mùa mưa nắng, người và chim nhạn biển đã trở nên thân thiện, cùng bầu bạn và gần gũi bên nhau để vượt qua sóng gió khắc nghiệt của đại dương, trở thành một biểu tượng về ý chí kiên cường và sức sống mãnh liệt của Trường Sa giữa biển Đông đầy bão tố.
Chào tạm biệt

Với mình, câu chuyện về những người lính không bao giờ biết ngủ say ở Sinh Tồn Đông còn là biểu tượng của tinh thần Việt Nam cảnh giác và sẵn sàng, đến nao lòng...

Rời Sinh Tồn Đông lúc chiều tà, hầu như cả đảo đổ hết ra cầu cảng tý hon, tiễn đoàn. Mấy chị trong Đoàn rưng rức khóc khi thấy những lính trẻ 18-20 cuống quýt nắm tay, giật áo gọi: "Bu ơi! Má ơi!".

Đám đàn ông con trai cả úy, tá lẫn tướng nhìn cảnh đó cũng hoe mắt, quay ra biển đang mòng mọng hoàng hôn. Ai đó nảy ra sáng kiến: "Cùng hát 1 bài nhé!". Thế là cả khách lẫn chủ cùng kề vai, vỗ tay hát: "Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh, anh em ơi vì nhân dân quên mình!" trong buổi chiều ráng đỏ.
Nước mắt của đất liền trên cầu tàu Sinh Tồn Đông
Xuồng ra xa rồi, bập bềnh giữa bao la trời nước, nhìn vào đảo chỉ thấy màu sâm sẩm tối, vẫn thấy màu áo trắng lính đảo chen chân trên cầu xi măng, cầm hết mũ trên tay vẫy đến rối rít, thành những đốm trắng mỏng mảnh.

Chị nào đó ngồi trên xuồng nghèn nghẹn: "Thôi! Đừng vẫy tay nữa kẻo các con nó mỏi tay mất!" khiến lòng mình như có ai cầm sợi dây thắt lại:

Nhất định, mình sẽ quay lại với Sinh Tồn Đông và trong hành trang mang ra đảo nhỏ không say ngủ, chắc chắn sẽ có rất nhiều trà thơm, thuốc lào để cùng thức với các em, canh chủ quyền Tổ quốc yêu thương.
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Tàu trực cùng Sinh Tồn Đông
Tạch tạch vào thăm đảo
Chào cờ Tổ quốc trên đảo tiền tiêu
Xin thề hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam XHCN
Bên bia chủ quyền
Lính đảo
Giao lưu văn nghệ với các chị em
Ngóng 1 tý cho đỡ nhớ
Trên đảo cũng có 1 khoảnh sân
Lồng chim dưới tán bàng vuông
Điện gió cho đảo sáng bừng
Bếp ăn trên bể nước
Nhà ở của... rau xanh
Chiều nay ăn cá rán
Cây phong ba
Em với bác Giới, Cục Tác chiến chụp 1 pô nhé!..


Chào đảo, chúng tôi về...
 

36 nhận xét:

  1. Đẹp quá, hạnh phúc dâng trào. Mình cứ nghĩ Sao lại đưa hài cốt anh Phương về đất liền nhỉ?. Lập miếu thờ anh ở Trường Sa có hay không?. Mong linh hồn anh linh thiêng về chứng dám?.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Phải đưa về quê hương chứ ai lại để lại giữa trùng khơi như thế. Liệt sĩ đã hi sinh không cho người ta về quê hương giữa vợ con nữa à. Toàn mơ mộng viển vông

      Xóa
    2. Đâu nữa bác, vợ con anh ấy đã đi khỏi quê hương rồi, mỗi người một nơi. Con thì ở Khánh Hòa, vợ thì mưu sinh ở Sài Gòn còn ở quê hai chữ anh hùng không dám khắc trên mộ chí của anh Phương. Về quê mà nhiều khi hiu quạnh hơn ở đảo. Ở đó có đồng đội yêu thương, có những người còn hiểu được giá trị của sự hy sinh. Buồn cho quê hương Quảng Bình của anh hùng liệt sỹ Trần Văn Phương

      Xóa
  2. Cám ơn bác, đọc đọn chia tay mà dưng dưng nước mắt.

    Trả lờiXóa
  3. Hay quá Bác Hải ơi
    Em đọc bài viết của Bác khi đang ngồi trên tàu hỏa, cứ chao chao hoài, thấy thương các bác phóng viên, thương các em chiến sĩ quá.
    bác nhớ chụp nhiều hình vào, đặc biệt là hình của quân địch để bà con nhân dân nhà mình xem rồi cùng nhau đóng góp xây dựng đảo hoành tráng hơn chúng nó
    Bác gặp thằng nào là chơi luôn nhé, đếch sợ bác nhể, hihi

    Trả lờiXóa
  4. Em mà được đi như bác Hải tới Sinh Tồn Đông nhìn nhà bọn TQ em nhịn không được chắc em kiếm chiếc xuồng phi sang làm quả cảm tử quá :)) Tổ quốc tươi đẹp của cha ông chúng ta để lại thế mà nó chiếm đóng và ngày ngày nhởn nhơ trước mặt. Cảm ơn bác vì những thông tin vô cùng quý giá cho người người ở đất liền như em.

    Trả lờiXóa
  5. Nguyễn Tây Ninh20:59:00 10 thg 4, 2012

    Tuyệt quá ông anh...hehe. Em ao ướt được một lần ra Trường Sa quá. Chúc bác Hải luôn chân cứng đá mềm ạ.

    Trả lờiXóa
  6. Ước cũng được một lần...

    Trả lờiXóa
  7. Nơi anh đóng quân là một vùng đảo nhỏ, bên đồng đội thân thương....
    Tổ quốc nơi đầu sóng.

    Trả lờiXóa
  8. Bác Hải được ra thăm đảo sướng quá ! Cái này đâu phải ai cũng được ra đâu. Mơ có một ngày được tận mắt như thế này.

    Trả lờiXóa
  9. Trai Đất Cảng00:05:00 11 thg 4, 2012

    Cầu mong những phút giây yên bình luôn còn mãi với các anh!

    Trả lờiXóa
  10. Dạ mừng vì thấy sóng bạn 3G khỏe hơn để a up bài dễ dàng, và entry chi tiết hơn!

    Trả lờiXóa
  11. cách đây hơn năm, tôi có gặp một chú lính đảo Sinh Tồn Đông về thăm nhà, chú kể: tại đảo STĐ bọn Trung Quốc thường xuyên chơi trò bẩn lắm, một ví dụ mà chú kể tôi còn nhớ mãi: Thỉnh thoảng, chúng cho tàu lớn ( có lẽ là cái tàu mà bác Hải chụp được) lao ầm ầm vào đảo chúng ta làm như sắp đổ bộ chiếm đảo đến nơi, bộ đội ta lập tức triển khai trận địa, kéo súng vào vị trí. Khi tàu cách đảo khoảng năm ba trăm mét, chúng lại rẽ hướng chạy vòng quanh đảo sau đó quay trở về, chúng ta lại kéo súng vào. Một tháng chúng làm đôi lần như vậy. Bộ đội chúng ta ở đảo STĐ được lựa chọn từ những người có thần kinh thật vững mới trụ được.

    Trả lờiXóa
  12. ai có địa chỉ hay số đt liên lạc của vợ của anh hùng liệt sỹ Trần Văn Phương không cho minh xin với

    Trả lờiXóa
  13. Cám ơn Anh về bài viết.

    Trả lờiXóa
  14. Cám ơn Anh vì những tình cảm trong bài viết.
    Chúc Anh khỏe.

    Trả lờiXóa
  15. Trường Sa ơi... Biển đảo quê hương... Đôi mắt biên cương vẫn sáng long lanh giữa sóng cuồng bão giật... Đảo quê hương, anh vẫn đêm ngày giữ biển khơi. Thương nhớ sao vơi người chiến sĩ Trường Sa ơi!

    Trả lờiXóa
  16. Thật là một tư liệu quí!
    Cám ơn bác Thanh Hải nhiều nhiều.Mong sẽ theo chân bác đi tới các đảo tiền tiêu khác nữa.
    Chúc bác khỏe!

    Trả lờiXóa
  17. Cảm ơn anh MTH.Vô giá, nói nhiều cũng bằng thừa.
    Haicu-Camau

    Trả lờiXóa
  18. Tấm hình có phụ đề "Căn cứ của lính TQ trên đảo Huy Gơ" xem ra như hình một con tàu . Bác Hải có pót nhầm hình không ?
    Cám ơn bác vô cùng về những tấm hình và bài viết ngắn mà cảm động này .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhiều ảnh chụp đảo này như thế rồi,lũ Khựa bẩn xây dựng thế mà.

      Xóa
  19. Lần sau đi báo cho cô để cô gửi trà và thuốc lá nhé. Cám ơn em về bài viết

    Trả lờiXóa
  20. Cho em gửi một cái NẮM TAY THẬT CHẶT tới các chiến sĩ ngoài đảo anh nhé!

    Trả lờiXóa
  21. Đọc loạt bài của anh Hải về TS làm tôi rất xúc động. Tôi cũng ước ao một lần được đặt chân lên Trường Sa.

    Trả lờiXóa
  22. Rưng rưng xúc động bác ah

    Trả lờiXóa
  23. Đọc thì lại mong có thể đi được ra đảo mà thăm các anh lính . Thương thật

    Trả lờiXóa
  24. Thương lắm thay

    Trả lờiXóa
  25. Thương các anh một, tôi lại tự hào và kính trọng các anh mười. Chân cứng, đá mềm nhé, đất nước và nhân dân luôn bên các anh.

    Trả lờiXóa
  26. Đọc bài này cảm động đến trào nước mắt. Những thông tin của tác giả quý giá, thiết thực và ý nghĩa hơn nhiều những lời nói xuông, sáo rỗng. MTH thật may mắn được ra thăm biển đảo quê hương. Cảm ơn tác giả.

    Trả lờiXóa
  27. Cản ơn anh Hải đã cho thấy một phần nỗi vất vả của những người lính Hải quân. Cuộc sống xô bồ làm con người ta quên đi những trị chân lý thực sự.

    Trả lờiXóa
  28. Sao mình không đổ bê tông mở rộng đảo thêm các bác nhỉ trông cái đảo chìm bọn tàu nó làm to thế có gì mà mình không làm được

    Trả lờiXóa
  29. Anh Hải à , bọn lính chúng mình ngày trước cũng " một mắt ngủ , một mắt còn phải thức . Hạt gạo chia tư , áo rách tứ mùa " ... Giờ bọn mình đỡ khổ rồi , thương các em , các cháu quá ... Chỉ nghĩ sau này , hoàn thành nhiệm vụ , đồng đội mình về đãi ngộ thế nào đây cho xứng đáng với sự hi sinh , vất vả , nguy hiểm mà họ âm thầm chịu đựng

    Trả lờiXóa
  30. Thương lắm các chiến sĩ của chúng ta!

    Trả lờiXóa
  31. Sinh Tồn Đông là mảnh đất mình đã từng gắn bó suốt 1 năm trời đấy. (01/2008-01/2009)
    Trước đây còn những ngôi nhà cũ, chưa có điện quạt gió, pin mặt trời và những ngôi nhà khang trang như bây giờ. Nhớ Sinh Tồn Đông lắm. Nhớ lắm, nhớ khôn nguôi...
    LÊ ANH TUẤN - Nguyên Trợ lý Xe Tăng Đảo Sinh Tồn Đông./.

    Trả lờiXóa
  32. Sáng nay, chồng có quyết định ra Sinh Tồn Đông. Vợ sau khi đặt vé máy bay cho chồng vào Cam Ranh xong, lên Google đánh chữ Sinh Tồn Đông và gặp bài viết đầy xúc động của anh Mai Thanh Hải. Cảm ơn anh Hải về bài viết.

    Trả lờiXóa