23 tháng 6, 2011

"PHE TA" KHIÊM TỐN?..

Nguyễn Văn Tuấn - Theo dõi diễn tiến Hội thảo về “An ninh hàng hải ở Biển Đông” do CSIS (Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế) tổ chức, tôi có phần thất vọng với… phe ta.

Hôm qua, tôi bỏ ra cả giờ đồng hồ theo dõi hội thảo “Maritime Security in the South China Sea” do CSIS tổ chức.  Tôi đặc biệt theo dõi bài nói chuyện của TNS John McCain.  Trong bài nói chuyện, ông bắt đầu một cách ý nhị bằng cách kể chuyện ông đi thăm Miến Điện, những xa lộ 18 lằn xe mà chẳng có xe nào đi (ngoại trừ xe của ông), rồi mới vào chủ đề chính là sự bất ổn ở Biển Đông. 
Ông nói thằng Trung Quốc là thủ phạm gây nên bất ổn, qua những hành động hiếu chiến và khủng bố gần đây.  Ông nói như tát vào mặt Trung Quốc rằng những yêu sách đường lưỡi bò là vô lí, bất hợp pháp: “các tuyên bố mở rộng chủ quyền mà Trung Quốc tuyên bố trên Biển Đông; các lý do căn bản cung cấp cho các tuyên bố này, không có cơ sở luật pháp quốc tế; và những hành động ngày càng quyết đoán mà Trung Quốc đang thực hiện để thực thi các quyền tự nhận của họ, gồm cả vùng biển trong phạm vi 200 hải lý ngoài khơi bờ biển của các nước ASEAN, như là trường hợp gần đây trong các sự cố riêng biệt liên quan đến Việt Nam và Philippines".
Nghe cứ như là nhạc!. Việt Nam chúng ta đã nói điều này rất lâu, nhưng phải là lời nói từ McCain thì dễ gây chú ý và nó cũng nặng kí hơn ASEAN nói.
Cũng như bất cứ hội nghị nào ở phương Tây, sau mỗi bài nói chuyện là phần hỏi và trả lời.  Tôi chú ý phần này vì đây là những trao đổi có khi rất sống động và thật.  Từng làm chair trong hội nghị, tôi biết những buổi vấn đáp như thế này sống động như thế nào.
Trong phần vấn đáp sau bài của McCain, có chừng 10 câu hỏi.  Nhưng phần lớn xuất từ Mĩ, Trung Quốc và vài người trong khối ASEAN.  Buồn cười nhất câu hỏi của cô Tàu hỏi ông McCain là ông có những lời khuyên cho Mĩ, vậy ông có lời khuyên nào cho Trung Quốc hay không!. Còn một ý kiến của anh Tàu thì có lẽ không có ý kiến chắc hay hơn.  Ông McCain lịch sự trả lời từng câu. Cũng có khi ông hội ý khoảng 2 giây với chủ tọa về câu hỏi của anh Tàu (có lẽ vì tiếng Anh của anh Tàu quá kém nên ông McCain muốn hỏi chủ tọa xem ông ta nói gì). Nói chung, tôi nghĩ buổi chất vấn tương đối có chất lượng.
Điều làm tôi ngạc nhiên là không có ý kiến từ phái đoàn Việt Nam. Hoàn toàn không. Đây là điều hơi lạ lùng, bởi vì trong bài nói chuyện, ông McCain nhắc đến Việt Nam khá nhiều lần và thậm chí còn có những câu chữ có thể nói là “đưa tay ra bắt tay Việt Nam”.
Những gì ông ấy nói hoàn toàn có lợi cho Việt Nam (và bất lợi cho bọn Trung Quốc).  Ấy thế mà những người đại diện Việt Nam không hề đặt một câu hỏi, không hề có một bình luận, không hề nêu một ý kiến!.
May thay, có một vị phụ nữ Việt (chắc là đang ở Mĩ) đứng lên phát biểu và đặt câu hỏi.  Chị ấy hoan hô McCain (khi ông nói rằng nhân quyền là một yếu tố rất quan trọng trong chính sách ngoại giao của Mĩ), và có một đề nghị thú vị: đổi tên biển “South China Sea” thành “Southeast Asian Sea”. Cử tọa cười và ông McCain nói “Good idea” (ý tưởng hay). Tôi cũng nghĩ ý tưởng rất hay.
Sau đó, chị ấy đặt vài câu hỏi cũng thú vị. Chị này rõ ràng là người quen với Hội nghị Quốc tế, tuy cách đặt câu hỏi có vẻ dài dòng. Nói gì thì nói, may mắn là trong khi phái đoàn Việt Nam kín miệng, thì có một người Việt Nam mở miệng nói và nói cũng hay.
Sự khiêm tốn của phái đoàn Việt Nam rất khó giải thích.  Bay cả 24 giờ từ Hà Nội (?) sang Washington, tốn vài chục ngàn đôla (tức có thể cả tỉ đồng), đất nước đang đứng trước sự đe dọa của kẻ thù, được người ta bênh vực, mà không hề có một chữ để đáp lại. Tốn tiền nhiều mà không có chữ nào (ngoại trừ bài nói chuyện mà tôi chưa đọc và chưa đuợc xem qua) thì thật là phí quá.
Ở nhóm của tôi, một qui tắc bất thành văn là khi nghiên cứu sinh đi dự Hội nghị Quốc tế, họ phải có đóng góp dưới hình thức bài báo và nêu ý kiến hay câu hỏi; không làm được điều này chúng tôi cho là phí tiền và lần sau khó có cơ hội đi dự hội nghị.
Đi dự Hội nghị không chỉ là “đem chuông đi đấm xứ người”, mà còn là nâng cao sự hiện diện của hai chữ Việt Nam trên trường quốc tế, chứ đâu phải chỉ đọc báo cáo. Không thể khiêm tốn như thế được!. Tại sao Philippines họ có ý kiến, mà Việt Nam chẳng có ý kiến nào?.
Tôi tự hỏi tại sao những người đại diện Việt Nam trong Hội nghị khiêm tốn như thế.  Tôi nghĩ đến những lí do như:
(a) không có ý gì để hỏi;
    (b) không hiểu được ý của McCain;
      (c) thiếu thông tin, nên chẳng biết gì để nói;
        (d) thẹn thùng, chưa quen với văn hóa Hội nghị Quốc tế;
          (e) phải chờ xin ý kiến cấp trên, vì sợ nói ra ý gì không hợp với cấp trên;
            (f) kém tiếng Anh nên thiếu tự tin trong khi phát biểu; và 
              (g) tất cả những lí do trên.
                Lí do (a) thì không thể đúng, bởi vì chắc chắn phía Việt Nam có nhiều ý để bàn.
                Lí do (b) thì chưa biết ra sao, vì hiểu cũng đòi hỏi kĩ năng ngôn ngữ.
                Lí do (c) thì có thể (chỉ “có thể” thôi), vì cán bộ chỉ tiếp thu thông tin một chiều, nên khi đương đầu với rừng thông tin trong Hội nghị họ trở nên lúng túng.
                Lí do (d) thì sai, vì cán bộ ngoại giao chắc chắn là quen với chuyện ăn nói hay đi dự Hội nghị nhiều lần.
                Lí do (e) rất có thể, do ai cũng sợ mất chức nên thà im lặng chứ nói ra mà không đúng ý cấp trên thì … rất mệt về về nhà. :-).
                Lí do (f) cũng rất có thể, vì nghe qua các vị ấy nói tiếng Anh rất khó hiểu.  Ngay cả xem qua cái video của người đứng đầu tòa đại sứ VN tại Washington trả lời phỏng vấn, tôi thấy rất khó nghe và đơn điệu, không như cách trả lời rất engaged và rất lively của bà Tôn Nữ Thị Ninh.
                Thật ra, đây không phải là lần đầu các nhà ngoại giao Việt Nam “khiêm tốn” trên trường quốc tế.  Trước đây cũng có vài Diễn đàn ở ASEAN, mà trong đó phía Việt Nam ít khi phát biểu gì.  Ngay cả bên cạnh bà Hillary Clinton “miệng lưỡi” hùng hồn, người đứng đầu ngoại giao Việt Nam cũng rất … ít nói.
                Mới đây nhất, trong một Hội nghị của Các tổ chức xã hội dân sự ASEAN ở Jakarta (Indonesia), phái đoàn Việt Nam cũng có hành động khiếm nhã. Khi một diễn giả nói về tình trạng nhân quyền (hay gì đó?) không mấy tốt ở Việt Nam, một thành viên trong phái đoàn Việt Nam lấy muỗng gõ vào tách cà phê để làm át tiếng nói người phát biểu. Thật là một thái độ lạ lùng, không văn minh chút nào.
                Tại sao không thảo luận bằng ngôn ngữ mà lại làm trò như thế?. Thật không thê nào hiểu nổi trong đầu họ nghĩ gì.  Không thể nào mang tiếng đại diện Việt Nam mà lại làm mất thể diện quốc gia như thế.
                Nguyên tắc của tôi là mỗi khi mình đi đâu ở nước ngoài mình phải là để ý đến thể diện Việt Nam. Dù tôi không còn mang quốc tịch Việt Nam nữa, nhưng với cái họ gắn liền với Việt Nam, nên khi đi công tác nước ngoài, tôi luôn nhìn trước xem sau mình nói và làm có gì ảnh hưởng tiêu cực đến nước Việt Nam hay không.
                Ngay cả Nghiên cứu sinh của tôi, tôi cũng nói như thế: Làm gì cũng phải nghĩ đến Việt Nam, chí ít mỗi người là một "đại sứ lưu động".  Do đó, tôi nghĩ trách nhiệm và nghĩa vụ của một người chính thức đại diện Việt Nam tại các Diễn đàn Quốc tế phải rất cao, và người dân hoàn toàn có quyền kì vọng họ phải là những người có tài, uyên bác, và hành xử lịch thiệp.
                Không có những attributes đó thì không nên đại diện Việt Nam.  Không có lí do gì phải khiêm tốn trước kẻ thù hung hãn khi mình có chính nghĩa.  Chẳng có lí do gì phải tiết kiệm lời nói để không đóng góp vào tranh luận trong một diễn đàn quan trọng như diễn đàn An ninh hàng hải ở Biển Đông vừa qua.
                NVT


                (Hình ảnh trong bài viết do Mai Thanh Hải Blog đưa vào để minh họa, giúp bạn đọc tiện theo dõi. Rất mong GS. Nguyễn Văn Tuấn lượng thứ)

                12 nhận xét:

                1. Đồng chí lang băm HỒ HỞI đâu ra mà phản biện bài này đi?(vì ở Việt Nam không ai hiểu Mỹ bằng tôi?) hay lại chuyển nghề Bs thú y ròi?

                  Trả lờiXóa
                2. Nếu những gì diễn ra đúng như tác giả đã viết, thì thật đáng buồn và đáng thương thay cho thân phận những người đại diện VN đi dự Hội nghị lần này. Trong những nguyên nhân tác giả nêu ra, tôi tâm đắc nhất nguyên nhân (e): phải chờ xin ý kiến cấp trên, vì sợ nói ra ý gì không hợp với cấp trên;
                  Buồn. Cứ như thế này thì ai biết đến VN mình đây.

                  Trả lờiXóa
                3. Trình có đâu ?
                  Độ thấp là vậy !

                  Trả lờiXóa
                4. ở nhà nhất mẹ nhì con, ra ngoài mới thấy chẳng qua nắm nồm

                  Trả lờiXóa
                5. Tôi còn nhớ bà nói chuyện của Lê Lựu, khi đi Mỹ về. Ông ấy về đến sân bay Nội bài thì bị "bắt" về hội trường để nói chuyện ngay (Những năm 1990), hồi đó ta chẳng hiểu gì Mỹ cả. Lê Lựu nói, trước khi đi ông Trần Xuân Bách có gọi ông lên văn phòng TƯ Đảng dặn:" Người Mỹ luôn nghe người VN nói bằng con mắt nghi ngờ: Một là anh nói dối, hai là anh làm tuyên truyền, ba là anh nói câu của ai đó". Nay nghe chuyện này, tôi thấy cấp trên đã duyệt bài phát biểu rồi, nên không được nói ra ngoài. Nói ra ngoài nếu không trúng ý "của ai đó" sẽ là một tai họa. Đây là một cuộc hội thảo, các diễn giả có thể đưa ra cách đánh giá của riêng mình và hội nghị sẽ phản biện, như vậy mới gọi là hội thảo. Theo tôi cũng không nên trách đại biểu này, vì những người Lãnh đạo cao cấp của VN khi phát biểu còn phải cầm giấy đọc sợ sai thì cấp dưới như vậy là đúng thôi. Nhìn ông Obama, bà Mac ken, ông Nato Kan họ phát biểu những điều hệ trọng mang tầm vóc Quốc tế có thấy họ phải cầm giấy đọc như mấy ông nhà mình đâu. Tự do cho họ điều đó.

                  Trả lờiXóa
                6. Đấy là vì tác giả bài viết không được sống trong môi trường mà mọi hoạt động cá nhân(từ tư duy đến hành dộng) đều bị định hướng đó thôi!

                  Trả lờiXóa
                7. Dân ta có câu "Ngậm miệng mắc quai/câu" rồi còn gì nữa bác Hải, nước đến trôn rồi L mới nhảy, nhảy đến vậy là quá nhục, bác không biết chứ Thùy Linh đã nói rồi sexy tất cả nhưng lòng yêu nước, lòng quả cảm, ... thì không được sexy hu hu, thương thay nước Việt.

                  Trả lờiXóa
                8. Ở Annam ta, trước khi lên làm cán bộ là phải nói. Nói - chứ không phải làm -, nói, nói càng hăng càng tốt. Nói ra... nghị quyết, nói... thành chủ trương, nói cho lợn phải... béo, nói cho lúa... phải tốt. (Lớn béo là bởi... chủ trương, lúa tốt khác khác thường... nghị quyết mà ra - chứ không phải do giống má kỹ thuật tiên tiến mà chúng béo + tốt!!!)
                  Sau khi nói xong lên làm cán bộ rồi thì lúc này miệng sau một hồi nói phải... ăn cho lại sức. ăn mải miết, ăn đến lúc hưu thì thôi.
                  Đoàn mang tiếng đi hội thảo nhưng kỳ thực là đang đi ăn. Vì thế không nói được!!!

                  Trả lờiXóa
                9. Xin lỗi quí vị, đọc bài nhận xét này, tôi cũng không mấy ngạc nhiên lắm, vì tôi ở Thụy Sỹ gần 30 năm, quen biết với nhiều vị trong DSQ, và mỗi lần có phái đoàn thăm viếng chính thức theo lời mời của Thụy sỹ, các vị có biết những kẻ tiêu tiền nhà nước ấy làm gì không? đi săn lùng đồng hồ, ngay cả trong buổi đang hội họp mà vẫn bắn tin để hỏi giá đồng hồ Omega giảm ở đâu, thế thì đầu óc đâu mà tập trung hỏi han gì nữa, hiểu người ta nói gì đã là khó rồi. Sau hội nghị họp hành, thì copy vài cái báo cáo lổi thời của Thụy Sỹ, thế là xong kết quả chuyến tiêu tiền. Tiền chùa, dân đóng thuê, care làm chi cho mệt!

                  Trả lờiXóa
                10. Đọc bài này tôi thấy người viết còn 2 điều chưa làm sáng tỏ được: Thứ nhất: Đoạn clip trên Utube có phải là toàn bộ phần phát biểu và trả lời của McCain??. Thứ 2: Bài viết có đề cập một phụ nữ người việt hỏi, tác giả nói người này sống ở Mỹ. Cái này chưa ổn, tác giả bình luận mà k chắc chắn người phụ nữ đó có thuộc đoàn VN không. Qua cách nói khá dài dòng, cách nói tiếng anh 2-3 từ một thì tôi khẳng định người này k phải sống ở Mỹ. Bác nào làm rõ hộ em phát.

                  Trả lờiXóa
                11. Ở hội thảo cơ mà,sợ gì sai chủ trương?Mà sợ sai thì các cậu ấy cứ theo chủ trương trên dặn mà nói,có sao đâu.Theo tôi,trình độ ngoại ngữ của các cậu này nếu ở xứ họ,đi mua 1 kí thịt mông bò thì phải chìa mông ra vỗ đẹt đẹt,giơ 1 ngón tay,miệng kêu:ò...ò....Vì vậy ở hội thảo KHÔNG DÁM PHÁT BIỂU.Thế thôi.

                  Trả lờiXóa
                12. "Tri giả bất ngôn - Ngôn giả bất tri".
                  (Người biết thì họ không nói - Người nói nhiều có nghĩa là đếch biết gì)

                  Trả lờiXóa