9 tháng 11, 2012

CÔ BA ƠI CÔ BA!..

Mai Thanh Hải - Đồn Biên phòng Cô Ba được xem là Đồn tiền tiêu nhất trên toàn tuyến biên giới phía Bắc, bởi chỉ nằm cách đường biên giới Việt - Trung hơn 1 km.

Tim hiểu về Cô Ba, tra Google đến toét cả mắt, cũng chỉ tìm được vài thông tin sơ sài, đăng trên Báo Cao Bằng, đại loại: Cô Ba là một xã của huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng.

Xã có vị trí: Bắc giáp Trung Quốc; Đông giáp xã Khánh Xuân; Nam giáp xã Khánh Xuân; Tây Nam giáp thị trấn Bảo Lạc; Tây giáp xã Thượng Hà.

Số liệu có từ tít những năm 1999: Cô Ba có diện tích 73,24 km², dân số 2.923 người (mật độ dân cư đạt 39,9 người/km²), được chia thành 10 xóm: Khuổi Giào, Nà Đôm, Nà Bốp, Nà Lùng, Nà Rào, Phiêng Mòn, Phiêng Sáng, Lũng Vầy, Ngàm Lồm, Nà Tao.

Cô Ba có tuyến tỉnh lộ 217 chạy qua và kéo dài đến biên giới với Trung Quốc.

Trên địa bàn Cô Ba có một số ngọn núi như Đông Pu, Mo Thiên Lính, Ngàm Lồm, Pác Kéo, Pắc Đin cùng sườn Thiêng Qua, lũng Vầy và thung lũng Láo Lú.

Cô Ba có nhiều sông suối chảy qua địa bàn gồm: sông Gâm (tạo thành ranh giới tự nhiên với xã Khánh Xuân), suối Giuồng, suối Nồm, suối Sáp Hò Sấy.

Đồn Biên phòng Cô Ba quản lí tuyến biên giới của xã, chiều dài hơn 19 km, thuộc địa bàn 2 xã Thượng Hà và Cô Ba, có 30 cột mốc (24 mốc chính và 6 mốc phụ), địa bàn rộng, đường sá đi lại rất khó khăn, thời tiết khắc nghiệt... 

Mình gọi điện lên Đồn Biên phòng Cô Ba. Tên Đồn thì nghe rất gái, tưởng như có những 3 cô, chân có thể không dài, nhưng ít nhất cũng là... cô (nghe cứ rờn rợn sau lưng, kiểu thiêng thiêng thế nào ấy), thông báo Kế hoạch - Chương trình của Áo ấm Biên cương, mang hàng (áo ấm, ủng cao su, chăn gối, đồ dùng học tập, thực phẩm...) lên cho hơn 500 đứa lít nhít Mầm Non - Tiểu học ở đủ 11 điểm Trường, trong tuần đầu tiên của tháng 12/2012 tới đây.

Bàn hết việc, cậu cán bộ trẻ trên Đồn bảo: "Chúng em biết là các anh chị sắp lên tặng quà cho học sinh rồi ạ!" và thầm thì hỏi lại: "Các anh chị có nhiều vải bạt không?".

Mình ngạc nhiên: "3 điểm trường tranh tre nứa lá, mỗi điểm đề nghị tặng 60m2 để che mái - quây quanh lớp học, chống sương mù gió bấc mùa đông, nhưng Chương trình Áo ấm biên cương duyệt dôi dư thêm, mỗi điểm cả 20m2 mà. Không lo đâu!".

Cán bộ Đồn  ấp úng: "Nếu còn, cho bộ đội tụi em xin thêm ít vải bạt nữa" và kể, khiến mình xót xa:

Chả hiểu thế nào, mà đến bây giờ nhà cửa của bộ đội - doanh trại của Đồn vẫn vẹn nguyên tranh tre nứa lá (trụ sở mới đang xây dựng theo tiêu chuẩn của Bộ Quốc phòng, hoành tráng lắm, nhưng ì ạch kéo dài nghe đâu đến 2014, kế hoạch mới bảo xong).

Tường nhà nguyên bản bằng thân tre, nắm gỗ.

Mái thì lợp ngói xi măng, dưới rui mái toàn tre nứa. Nắng chắc nóng lắm, may cái trên này lạnh 4 mùa nên chả biết nóng là gì, chỉ biết sương mây - hơi lạnh luồn qua khe cửa vào quấn quýt với bộ đội, khiến quần áo người ngợm, cả năm chả biết thế nào là khô ráo.

Đã thế, rui mè để lâu, toàn mọt tre, cứ khi nào nằm xuống giường, là mọt tre trắng phớ lại bay đầy mặt, khiến anh em phải đeo kính, bịt khẩu trang đi ngủ là bình thường...

Anh em tâm sự: Nếu có vải bạt, tụi em chăng trên mái nhà, để được ngủ lành không kính, chẳng khẩu trang. Thêm tý vải bạt nữa, bọc quanh vách cho đỡ lạnh, đêm gọi nhau đi gác - tuần tra, cũng đỡ phải nắm tóc, kéo nhau dậy trong giấc ngủ nặng nhọc...

Mình nghe xong, cứ ám ảnh: Tháng 2/1979, Đồn Biên phòng Cô Ba (khi ấy là Đồn Biên phòng Nậm Quét), gần như đã bị xóa phiên hiệu, bởi những người lính trong những túp nhà vách đất, tranh tre nứa lá, đã bắn đến viên đạn cuối cùng, đập đến báng súng cuối cùng, đâm gãy đến ngọn lê cuối cùng, để đánh trả những tên lính Trung Quốc, muốn chiếm đồn và đánh vào sâu trung tâm Bảo Lâm - Bảo Lạc... bao nhiêu năm qua, cuộc sống của những người lính giữ cột mốc biên cương, từng tấc đất địa đầu, vẫn vất vả - gian lao như mấy chục năm thủa nào!..

Cũng là Biên phòng, là tiền tiêu, địa đầu đấy. Nhưng ngay Biên phòng đất (khác với Biên phòng biển, có cửa khẩu giao thương tấp nạp tàu bè và... buôn lậu), có những nơi mình đến, nhà cửa khang trang - đường sá thuận tiện, ôtô chạy rầm rầm suốt ngày đêm, khách du lịch phượt ầm ầm kéo đến đủ nam thanh nữ tú, người ta còn làm cả dịch vụ cho khách phượt thuê phòng trong doanh trại, dẫn lên cột mốc, nấu ăn - nhậu nhẹt và thậm chí còn bán cả áo kỷ niệm...

Chả bù cho Cô Ba, Cốc Pàng, Xuân Trường của Cao Bằng hay cánh biên giới phía Hoàng Su Phì của Hà Giang... quanh năm không một bóng người dưới xuôi lên.

Có nhớ quê, cũng lụi hụi trèo lên điểm cao, giơ điện thoại vớt sóng, bập bõm gọi nói chuyện với người thân, như gào giữa núi rừng.

Và - Hành trình của Áo ấm biên cương, lên Cô Ba của tuần đầu tiên tháng 12/2012 (chuyến thứ 2 trong năm 2012), sẽ có những nghĩa tình miền xuôi, gửi tặng Biên phòng tiền tiêu Tổ quốc, từ tấm vải bạt che doanh trại, cho đến con cá khô trong hành trang Tuần tra cột mốc, mảnh chăn ấm cho Tổ công tác nằm trong sương giữ địa bàn và cả manh giẻ lau súng...

Một chút tấm lòng, dành cho những nơi thực sự khó khăn, gian khổ và đúng nghĩa tình xuôi - ngược, quân - dân.

 Cô Ba ơi! Cô Ba!..
-------------------------
MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ CƠ SỞ HẠ TẦNG - CUỘC SỐNG BỘ ĐỘI TẠI ĐỒN BP CÔ BA

 

2 nhận xét:

  1. Nhìn mấy chục bụng bia các quan ở Bộ... thì biết lính tiền tiêu vất vả như thế nào rồi!

    F 361

    Trả lờiXóa
  2. Cũng là Biên phòng, là tiền tiêu, địa đầu đấy. "Nhưng ngay Biên phòng đất (khác với Biên phòng biển, có cửa khẩu giao thương tấp nạp tàu bè và... buôn lậu), có những nơi mình đến, nhà cửa khang trang - đường sá thuận tiện, ôtô chạy rầm rầm suốt ngày đêm, khách du lịch phượt ầm ầm kéo đến đủ nam thanh nữ tú, người ta còn làm cả dịch vụ cho khách phượt thuê phòng trong doanh trại, dẫn lên cột mốc, nấu ăn - nhậu nhẹt và thậm chí còn bán cả áo kỷ niệm"
    Thế MTH có biết muốn "chạy" về các đồn BP này phải tốn bao nhiêu " chai" không?. Phải để anh em thu hồi lại vốn chớ ?

    Trả lờiXóa